Sổ tay

Làm gương cho con

Trẻ con như tờ giấy trắng và chúng thường “bắt chước” người lớn. Vì vậy, để trẻ hình thành thói quen tốt thì ba mẹ phải biết làm gương. Chính những hành động, việc làm cụ thể hàng ngày của các bậc làm cha, làm mẹ sẽ tác động trực tiếp đến con trẻ. 
16 giờ chiều, rất đông phụ huynh chạy xe máy chen chúc nhau vào sân Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình (quận 1, TPHCM) để đón con. Trong khi phần lớn phụ huynh ý thức chạy xe theo đúng quy định từ cổng vào sân trường để tránh tình trạng ùn tắc, thì một số khác lại nhấn kèn inh ỏi để “đòi” vượt qua người trước. Có người lại khóa cổ xe và đậu ngay lối ra vào. Mặc cho bảo vệ nhà trường và một số giáo viên ra sức điều phối việc để xe, nhưng vài phụ huynh vẫn thản nhiên bỏ xe ngay lối đi để chạy vào đón con, khiến lưu thông hỗn loạn. Rất nhiều lần, tôi bắt gặp những cái lắc đầu ngao ngán, thậm chí không ít lời góp ý của các phụ huynh khi thấy việc để xe lộn xộn của những phụ huynh thiếu ý thức. Đáp lại là những gương mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Vài người còn bảo “lách qua chỗ khác mà đi” hay “Tôi đậu vậy đấy, không thích thì đừng có chạy xe vào”… Điều đáng nói, những việc làm, lời nói ấy lại diễn ra ngay trước mắt con trẻ. 

Hình ảnh này đối lập với những gì trẻ được dạy trong nhà trường: tôn trọng nguyên tắc, nhường nhịn và chờ đến lượt mình. Một lần đến căn tin Trường Tiểu học Nguyễn Thái Bình, nhìn thấy hình ảnh các học sinh trật tự xếp hàng mua đồ ăn, thức uống và cúi đầu nói lời cảm ơn khi nhận món đồ từ nhân viên bán hàng, tôi cảm thấy rất vui. Việc dạy trẻ xếp hàng chờ đến lượt, không chỉ được thầy cô phổ biến trong các buổi học, sinh hoạt ngoại khóa, mà ngay tại căn tin trường trẻ cũng học được điều hay lẽ phải về cách ứng xử văn minh. Thế nhưng, ngay trong gia đình mình, với ba mẹ mình, trẻ lại nhận được những bài học ngược lại.  

Vài ngày trước, khi ngồi dùng cà phê với một chị bạn, chị kể về câu chuyện đã gặp khi xếp hàng đóng tiền mua đồng phục cho con tại một trường tiểu học trên địa bàn quận 1. Trong khi mọi người xếp hàng ngay ngắn thì một phụ huynh lại chen ngang lên phía trên. Mọi người chưa kịp phản ứng thì cô con gái của vị phụ huynh ấy chạy đến kéo tay mẹ rồi nói: Mẹ ơi, mẹ phải xếp hàng. Mọi ánh mắt dồn về phía cô bé và mẹ, chị bạn tôi thấy mặt phụ huynh này đỏ lên vì ngại. 

Việc dạy trẻ làm người, học kỹ năng sống để giúp trẻ có nhận thức, hành động đúng nhằm góp phần xây dựng TPHCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình không chỉ phó thác cho nhà trường, mà còn rất cần sự hợp tác của phụ huynh. Đừng chờ đợi, người lớn hãy ứng xử văn minh để con trẻ có những bài học quý trong xử sự hàng ngày! 

Tin cùng chuyên mục