Làm gì khi ngày thi cận kề?

2 lưu ý quan trọng là hướng dẫn học sinh cách phân bổ thời gian học tập, nghỉ ngơi sao cho hợp lý và nên làm gì trong tuần lễ trước ngày thi chính thức thì chưa được quan tâm đúng mức, khiến công sức ôn luyện thành “công dã tràng” khi có nhiều học sinh đuối sức ngay chính thời khắc quan trọng. 
Chỉ còn vài ngày nữa, hơn 89.000 học sinh lớp 9 trên địa bàn TPHCM sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2018-2019. Kỳ thi năm nay được dự báo cam go hơn các năm trước khi có đến 24.000 thí sinh sẽ rớt lớp 10 công lập, buộc phải rẽ hướng qua học ở các trường trung cấp nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục. Sau gần một tháng tổ chức ôn tập, từ đầu tuần này, nhiều trường THCS đã ngưng tổ chức lớp để dành thời gian cho học sinh tự hệ thống lại kiến thức ở nhà, kết hợp ôn tập với nghỉ ngơi, ăn uống, để có sức khỏe và tinh thần tốt nhất trước kỳ thi. 
Tuy nhiên qua tìm hiểu, một học sinh Trường THCS P.T.H. (quận Gò Vấp) cho biết “mang tiếng là tuần lễ nghỉ ngơi nhưng thật ra em còn bị áp lực nhiều hơn trong năm học”. Nguyên nhân là do vừa qua, trường tổ chức thi thử cho tất cả học sinh khối 9. Kết quả, hầu hết các em đều đạt điểm bài thi rất thấp, nhiều em không đủ mức điểm chuẩn thấp nhất của lớp 10 công lập.
Cá biệt, có trường hợp học sinh từng đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp TP năm lớp 9, thành tích 9 năm liền đều đạt học lực giỏi, nhưng kết quả một bài thi thử chưa đến 6 điểm khiến em “mất ngủ nhiều đêm liền” vì đã trót đăng ký nguyện vọng vào một trường THPT thuộc tốp trên của TP.
Tương tự, tại một trường THCS được đánh giá có chất lượng cao trên địa bàn quận 3, nhiều học sinh lớp 9 cho biết trong suốt quá trình tổ chức ôn tập, mỗi tuần ở mỗi bộ môn đều có 1 - 2 bài thi thử để đánh giá kết quả ôn tập của học sinh. Cách làm này có mặt tốt là giúp giáo viên kịp thời nắm bắt điểm yếu kiến thức của từng học sinh để kịp thời bổ sung trong những buổi học sau đó. Tuy nhiên, việc liên tục giải đề - dò bài - thi thử rồi lặp lại quy trình đó trong nhiều ngày khiến không ít học sinh cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. 
Nhiều năm trở lại đây, TPHCM chủ trương không tổ chức thi thử đối với 2 kỳ thi quan trọng là tuyển sinh lớp 10 công lập và THPT quốc gia để giảm bớt căng thẳng, áp lực cho thí sinh. Tuy nhiên, nhiều trường vẫn thường xuyên tổ chức các bài kiểm tra theo hình thức thi thử (có chia phòng, đánh dấu mã số đề thi, cách thức ra đề và quy chế giống thi thật) để giúp học sinh làm quen với không khí tại phòng thi.
Đáng nói là hiện nay các trường chỉ mới tập trung vào việc giải đề, nhồi nhét kiến thức mà bỏ qua bồi dưỡng về mặt sức khỏe và tâm lý cho học sinh. Trong đó, 2 lưu ý quan trọng là hướng dẫn học sinh cách phân bổ thời gian học tập, nghỉ ngơi sao cho hợp lý và nên làm gì trong tuần lễ trước ngày thi chính thức thì chưa được quan tâm đúng mức, khiến công sức ôn luyện thành “công dã tràng” khi có nhiều học sinh đuối sức ngay chính thời khắc quan trọng. 
Tổ chức ôn tập sao cho hiệu quả vẫn là câu chuyện còn nhiều tranh cãi. Thực tế ở mỗi đơn vị có một cách làm khác nhau. Kết quả của một kỳ thi có thể tốt hoặc xấu nhưng điều quan trọng là các em thu nhận được bài học gì, có đủ tự tin bước tiếp trên đường đời còn rất dài và lắm gian nan… 

Tin cùng chuyên mục