Là lực lượng chấp pháp, kiểm ngư phải đủ mạnh

Nhiều ý kiến tại phiên họp UBTVQH sáng 14-8 bày tỏ quan tâm đến các quy định về lực lượng Kiểm ngư trong dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại phiên họp

Được mời giải trình về dự thảo Luật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nội dung quy định về lực lượng kiểm ngư.

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 2 phương án về tổ chức lực lượng kiểm ngư. Trong khi cơ quan thẩm tra - Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất chọn phương án chỉ thành lập Kiểm ngư tại một số tỉnh cần thiết “có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí quy định” thì Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét phương án thành lập Kiểm ngư Trung ương ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển.

“Với diện tích hoạt động lên tới hơn 1 triệu km² mặt biển, rất cần những chính sách và giải pháp mạnh mẽ để nâng cao năng lực cho kiểm ngư - lực lượng chấp pháp trên biển. Phương án Chính phủ trình sẽ không làm tăng biên chế mà chỉ chuyển đổi cơ cấu nhân lực trong ngành”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định.

Thống nhất cao về tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực cho lực lượng kiểm ngư, thậm chí cho rằng những quy định về lực lượng này tới đây cần được tập hợp, nâng lên thành pháp lệnh hoặc luật riêng, song Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tỏ ra băn khoăn vì hoạt động thực tiễn của lực lượng này chưa được tổng kết, đánh giá. Đây cũng là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga và một số thành viên khác trong UBTVQH.

Bà Lê Thị Nga nhận định, với trách nhiệm, quyền hạn được quy định rất rộng, hoạt động kiểm ngư bao gồm cả những nội dung như điều tra, xử lý vi phạm theo pháp luật hình sự, được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, truy đuổi, bắt giữ, áp dụng các biện pháp cưỡng chế…, có liên quan đến Hiến pháp và nhiều luật khác nên về lâu dài phải được điều chỉnh bằng một luật riêng.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị nghiên cứu, tổ chức mô hình đánh bắt hải sản khơi xa một cách quy củ, tạo thành các tổ hợp, đảm bảo cả các khâu nhiên liệu, bảo quản, chế biến với sự hỗ trợ, kiểm soát của lực lượng chấp pháp, đảm bảo cho bà con ngư dân yên tâm khai thác đúng pháp luật và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những nội dung quan trọng khác cũng đã được UBTVQH quan tâm thảo luận tại phiên họp là quyền sử dụng mặt nước biển của tổ chức, cá nhân được giao, cho thuê mặt nước biển.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, hiện nay quyền chuyển nhượng, thừa kế, cho thuê lại, thế chấp, góp vốn giá trị sử dụng mặt nước biển đã được quy định tại Luật Thủy sản 2003 thông qua hình thức quyết định cho thuê.

Tuy nhiên, hình thức này chưa được triển khai trong thực tế, do quyết định cho thuê mặt nước biển không có giá trị pháp lý đảm bảo trong các giao dịch thương mại cũng như thế chấp, kể cả khi tổ chức, cá nhân đã thuê và đóng góp đầy đủ nghĩa vụ tài chính trên diện tích được thuê.

“Dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước biển, tạo cơ sở cho tổ chức, cá nhân được thuê mặt nước biển có điều kiện thực hiện các quyền của mình để huy động thêm nguồn lực tài chính đảm bảo cho phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển”.

Nhận định đây là vấn đề lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan soạn thảo, thẩm tra tổ chức đánh giá tổng kết tình hình thực hiện pháp luật về các vấn đề được nêu, báo cáo xin ý kiến đại biểu Quốc hội theo đúng quy trình lập pháp trước khi hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.

Tin cùng chuyên mục