Kỳ vọng bứt phá

Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, nhưng bắt đầu từ mùng 3, mùng 4 tết, nông dân, doanh nghiệp ở ĐBSCL đã bước vào sản xuất, với hy vọng nhiều thành công mới.

Theo đánh giá của ngành công thương các tỉnh ĐBSCL, bức tranh kinh tế và những hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực năm 2018 chuyển biến tích cực khi nhiều địa phương như Long An, Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp… có kim ngạch xuất khẩu rất ấn tượng với 2 mặt hàng thế mạnh vốn có của vùng là lúa gạo và thủy sản. Ngoài ra, trong năm 2018, trái cây cũng là mặt hàng xuất khẩu thành công của ĐBSCL khi tiếp cận được các thị trường cao cấp và khó tính, nhờ nhà vườn, hợp tác xã trong vùng đã ứng dụng tốt hơn các quy trình sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng an toàn như VietGAP, GlobalGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...

Thành công trong xuất khẩu nông sản năm 2018 không phải là kết quả nhất thời, mà đó là thành quả của quá trình bền bỉ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liên kết vùng ĐBSCL có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quản lý và sử dụng tài nguyên nước và đối phó với các thách thức từ biến đổi khí hậu. Đến nay, ĐBSCL là vùng đầu tiên và duy nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước được áp dụng Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Liên kết vùng ĐBSCL có 3 lĩnh vực chính. Một là, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp; tập trung vào các mặt hàng chủ lực, có thế mạnh, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, trái cây và thủy sản). Hai là, xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, hàng không, cảng.

Ba là, đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu, phòng chống lũ; kiểm soát xâm nhập mặn, quản lý, khai thác sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước; nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản trong mùa khô; xây dựng, nâng cấp hệ thống đê biển, đê bao, cống, đập... vành đai rừng ngập mặn và các dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài ra, trong liên kết vùng còn có các liên kết tiểu vùng như: Tiểu vùng Đồng Tháp Mười, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên, tiểu vùng duyên hải phía Đông và tiểu vùng Bán đảo Cà Mau.

Để liên kết vùng phát triển, hình thành được một cực động lực kinh tế, từng tiểu vùng, từng tỉnh, thành trong tiểu vùng phải phát huy nội lực của mình, chia sẻ lợi ích, tài nguyên, tránh cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất, thu hút đầu tư… Theo ông Võ Thành Hạo, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, địa phương rất quan tâm đối với việc xây dựng cơ chế, chính sách và thực hiện các liên kết vùng như: ABCD Mekong, 4 tỉnh vùng duyên hải phía Đông, Bến Tre với TPHCM. Các tỉnh liên kết để có tầm nhìn chung, tiếng nói chung và hành động chung, giải quyết các bức xúc hiện nay của các địa phương. Đó là yêu cầu về sự tồn tại và phát triển bền vững mà từng địa phương không thể nào tự giải quyết được các vấn đề đó. Tương tự, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, khẳng định: Xu thế ngày nay là tìm đến sự khác biệt: Những sản phẩm khác biệt, những trải nghiệm khác biệt, những nét văn hóa khác biệt. Và đâu đâu trên khắp thế giới này đều có thể tìm ra sự khác biệt và người ta làm giàu trên sự khác biệt đó. Đồng Tháp Mười là một hệ sinh thái đặc biệt - hệ sinh thái đất ngập nước, một “cánh đồng hở” như nhiều nhà khoa học đã khẳng định. Vậy tại sao không khai thác hệ sinh thái, nét văn hóa khác biệt để tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu chung cho Đồng Tháp Mười!?

Theo các chuyên gia, để vùng ĐBSCL bứt phá, vai trò đầu tàu rất quan trọng. Sau 15 năm thành lập và phát triển, TP Cần Thơ đã bắt đầu thể hiện vị trí trung tâm vùng của mình. Hiện nay, Cần Thơ là địa phương duy nhất trong 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL có nguồn thu ngân sách được điều tiết về Trung ương mỗi năm 10%, tính từ năm 2008. Riêng năm 2018, tổng thu ngân sách của Cần Thơ đạt 11.150 tỷ đồng. “TP Cần Thơ đang thể hiện vai trò là trung tâm giao thông, năng lượng, đào tạo, y tế, phân phối hàng hóa, thương mại dịch vụ của khu vực nhờ quá trình đầu tư của nhà nước và doanh nghiệp, để từ đó, Cần Thơ liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khu vực cùng nhau phát triển”, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 10-2019. Đây sẽ là diễn đàn quan trọng, kế thừa “Hội nghị Diên Hồng” về ĐBSCL năm 2017, nhằm huy động trí tuệ, sáng kiến, tâm huyết các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế cho quyết sách lớn của Chính phủ đối với phát triển vùng ĐBSCL trong tương lai. Với tiềm năng, điều kiện hiện có và sự quyết tâm của đảng bộ, chính quyền các tỉnh, thành trong vùng, năm 2019 sẽ là năm ĐBSCL bứt phá trên tất cả các lĩnh vực.

Tin cùng chuyên mục