Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Đảm bảo an ninh, tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ

Chưa đầy một tuần lễ nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ diễn ra tại 63 tỉnh, thành trên cả nước. Thời điểm này, công tác chuẩn bị tại các địa phương đã cơ bản hoàn tất. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, về công tác chuẩn bị trước kỳ thi. 
* PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết kỳ thi THPT quốc gia năm nay diễn ra trên địa bàn TPHCM có những điểm gì khác so với kỳ thi năm 2017? Sở GD-ĐT đã có những chuẩn bị gì để phục vụ công tác tổ chức thi? 
- Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Kỳ thi THPT quốc gia năm nay TPHCM có tổng số 78.332 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 72.496 thí sinh ở khối THPT và 5.836 thí sinh ở khối giáo dục thường xuyên.
Tổng số địa điểm tổ chức thi là 124 điểm, tăng 8 điểm so với kỳ thi năm 2017. Tổng số cán bộ được phân công coi thi là 8.807 người, trong đó có 3.294 giảng viên các trường đại học và 5.513 giáo viên THPT. So với năm 2017, số cán bộ coi thi tăng 15%. 
Tại TPHCM, từ ngày 18-6, hội đồng sao in đề thi với sự tham gia của hơn 70 cán bộ đã bắt đầu làm việc, cách ly theo 3 vòng độc lập, đảm bảo an toàn, bảo mật đề thi dưới sự giám sát chặt chẽ của lực lượng Công an TP.
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018: Đảm bảo an ninh, tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ ảnh 1 Thí sinh TPHCM tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017
Ngày 19-6, Ban chỉ đạo Hội đồng thi THPT quốc gia tại TPHCM và ban lãnh đạo các điểm thi (hơn 600 người) đã được triệu tập để nghe tập huấn về quy chế, các văn bản quy định và hướng dẫn coi thi.
Một ngày trước khi diễn ra buổi thi đầu tiên, tại tất cả điểm thi, toàn bộ giám thị và thành viên tại hội đồng sẽ được tập huấn một lần nữa về quy chế.
Nội dung tập huấn lưu ý một số điểm mới của kỳ thi năm nay cũng như các nhắc nhở, rút kinh nghiệm để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ thi. Trước đó, TPHCM cũng tổ chức tập huấn cho 275 cán bộ làm công tác thanh tra.  
* Xin ông cho biết cụ thể hơn về những điểm mới của kỳ thi THPT năm nay? Thí sinh cần lưu ý những điểm gì để có kết quả làm bài tốt nhất?
- Quy chế thi của Bộ GD-ĐT quy định rõ, phiếu trả lời trắc nghiệm của mỗi phòng thi sẽ được in đủ, không in dư so với số lượng thí sinh trong phòng thi.
Trường hợp thí sinh làm bẩn, rách, nhàu, muốn yêu cầu đổi phiếu trả lời trắc nghiệm, phải được cán bộ coi thi lập biên bản thu hồi phiếu trả lời đã phát trước đó và thay mới bằng phiếu trả lời dự phòng được lấy từ trưởng điểm thi.
Quá trình lập biên bản có thể làm ảnh hưởng thời gian làm bài của thí sinh nên sau khi nhận phiếu trả lời trắc nghiệm, thí sinh cần kiểm tra kỹ xem có bị nhàu, rách hay không, hạn chế trường hợp phải xin đổi phiếu.
Bên cạnh đó, các thông tin trên phiếu trả lời cần được tô chính xác, đối chiếu mã đề thi giữa các môn thi thành phần trong cùng bài thi tổ hợp để kịp thời báo giám thị trường hợp có sai sót. 
Tôi khẳng định là không có tình trạng thiếu đề thi và phiếu trả lời trắc nghiệm, vì mỗi điểm thi đều được bố trí 2 túi đề thi dự phòng, tương đương số lượng thí sinh dự thi tối đa của 2 phòng thi và 4 túi phiếu trả lời trắc nghiệm dự phòng, tương đương số lượng thí sinh dự thi tối đa của 4 phòng.
Thí sinh cần lưu ý là kết thúc mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp, cán bộ coi thi sẽ thu lại tất cả giấy nháp, đề thi, vật dụng thí sinh có thể dùng để ghi chép đề thi.
Ngoài ra, năm nay thời gian giãn cách giữa các môn thi thành phần được rút ngắn, từ 20 phút (ở kỳ thi THPT quốc gia năm 2017) xuống còn 10 phút, nên thí sinh có yêu cầu cần trợ giúp hay hỗ trợ gì cần tranh thủ giải quyết, tránh ảnh hưởng giờ làm bài của môn thi tiếp theo. 
* Sau sự cố lọt đề thi vừa xảy ra ở kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội, nhiều ý kiến lo ngại về công tác giám sát an ninh đối với đội ngũ giám thị. TPHCM có những biện pháp gì để đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi?
- Tại buổi sinh hoạt nội quy phòng thi diễn ra một ngày trước kỳ thi, trưởng điểm thi sẽ yêu cầu tất cả cán bộ coi thi không được mang túi xách, điện thoại di động, các loại thiết bị thu, phát thông tin vào phòng thi.
Ngoài ra, tại các điểm thi đều bố trí lực lượng giám sát ngoài phòng thi, chịu trách nhiệm giám sát mọi hoạt động của cán bộ coi thi trong phòng, kịp thời phát hiện và báo ngay cho trưởng điểm thi nếu có xảy ra sai phạm.
Trường hợp đơn vị có nhu cầu thay cán bộ coi thi thì phải có giấy giới thiệu của thủ trưởng đơn vị, người đi thay phải được tập huấn nghiệp vụ coi thi mới được tham gia làm nhiệm vụ.
Tất cả cán bộ coi thi đều được lấy chữ ký mẫu trước kỳ thi để thực hiện so sánh, đối chiếu khi cần thiết. Trường hợp cán bộ đã được phân công không thể thực hiện nhiệm vụ coi thi trong thời gian diễn ra kỳ thi, trưởng điểm thi sẽ quyết định người thay thế từ lực lượng cán bộ giám sát ngoài phòng thi.
Bảo đảm cơ sở vật chất, đề phòng mưa bão
Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra trong điều kiện thời tiết thất thường nên Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu đội ngũ vận chuyển đề thi chuẩn bị các túi ni lông lớn để che chắn đề thi, phòng trường hợp mưa, bão đột xuất. Tại mỗi điểm thi đều được yêu cầu chuẩn bị sẵn phòng thi dự bị, đề phòng trường hợp phòng thi chính thức gặp sự cố do mưa, giông lốc thì sẽ kịp thời có phòng thay thế, không gây ảnh hưởng quá trình làm bài của thí sinh.
TP sẽ huy động hơn 40 xe vận chuyển các túi đề thi từ các điểm in sao đến 124 điểm thi trải đều ở 24 quận, huyện. Việc vận chuyển đề thi được thực hiện từ sáng sớm, đảm bảo kịp có mặt tại điểm thi trước giờ tập trung thí sinh. Riêng ở 2 huyện xa là Củ Chi và Cần Giờ sẽ bố trí xe ưu tiên đi trước, để đảm bảo vận chuyển kịp thời và an toàn. Năm nay, huyện Cần Giờ có 2 điểm thi là THPT Bình Khánh và THPT An Nghĩa.

Tin cùng chuyên mục