Kỹ năng sống là những điều thực tế

Nhiều năm trở lại đây, cứ mỗi dịp gần hè, phụ huynh lại có nhu cầu tìm cho con một nơi học thêm hay ngoại khóa. Tuy nhiên, năm nay nhu cầu tìm nơi học kỹ năng sống được quan tâm hơn bao giờ hết, do những vụ việc xấu xảy đến dồn dập với trẻ thời gian qua.

Ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia các chương trình học kỹ năng sống
Ngày càng nhiều bạn trẻ tham gia các chương trình học kỹ năng sống

Sự thay đổi mạnh mẽ

Nguyễn Thanh - nhân viên tư vấn một trung tâm đào tạo kỹ năng sống (ở nhiều nơi còn được gọi là kỹ năng mềm) cho trẻ em trên đường Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, tâm sự 5 năm làm nghề này, lần đầu tiên anh thấy một sự thay đổi lớn đến vậy ở các bậc phụ huynh khi đến tìm hiểu chương trình học.

Những năm trước, bên cạnh các chương trình mặc nhiên phải có như ngoại ngữ, ôn tập bài trong trường, các trung tâm dạy kỹ năng sống phải cạnh tranh nhau bằng đủ chương trình hoành tráng, như dạy trẻ khả năng thuyết trình, thích nghi khi ở nước ngoài, chăm sóc yêu thương mọi người, trui rèn bản thân, nghệ thuật…

Thậm chí, để tồn tại, mỗi trung tâm còn phải tìm ra những độc chiêu riêng, như trung tâm của Thanh dạy bé trai lập trình cho robot và bé gái biểu diễn thời trang.

Có trung tâm còn dạy làm ca sĩ, diễn viên... Nói chung, ai nghĩ ra được cái gì hay, lạ là áp dụng để thu hút phụ huynh. Ngược lại, các chương trình dạy kiểu như thoát hiểm, ứng xử khi gặp kẻ xấu, rất ít được để ý, thậm chí nhiều phụ huynh còn tỏ ra khó chịu nếu trẻ học các kỹ năng này. 

Thanh kể, một trung tâm dạy theo giáo trình Nhật, trong đó có bài về cách ứng phó khi có động đất, cháy nhà, trường học bị kẻ xấu tấn công… Kết quả, phụ huynh lên than phiền là dạy những điều này khiến con họ trở nên hay lo sợ, nhút nhát hơn.

Ngay cả vấn đề đi thang máy với người lạ cũng đã từng được một số trung tâm dạy do dựa theo giáo trình kỹ năng sống nước ngoài, nhưng hiệu quả chưa thấy đâu mà đã bị phụ huynh than là làm họ khó xử khi bé nhất quyết không chịu đi cùng thang máy với bác láng giềng khi không có nhiều người đi cùng. 

Thế nhưng, giờ tất cả đã thay đổi 180 độ, những ngày này, phụ huynh khi đến với các trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ, điều đầu tiên mà họ hỏi là có dạy cách ứng phó kẻ biến thái không, có dạy thoát hiểm không, có dạy cách thích nghi với môi trường mà không có bố mẹ bên cạnh không…

Bài học thoát khỏi đám cháy trước đây hay bị biến thành trò cười với cảnh người hướng dẫn cùng các bé bò lê dưới sàn nhà dọc theo tường thì nay chẳng ai còn cười nữa sau những vụ cháy chung cư. Môn học nhận biết và né tránh hay ứng phó với những mối nguy hiểm vốn ít được quan tâm thì nay trở thành tâm điểm để các trường tập trung mời chào các bậc phụ huynh. 

Đừng “thần thánh hóa”

Tuy nhiên, giống như việc trượt từ thái cực này qua thái cực khác, nhiều phụ huynh cũng đang “thần thánh hóa” kỹ năng sống. Có người đọc trên mạng thấy có học sinh tự tử vì thất vọng điểm thi, thế là tìm lớp dạy tâm lý cho con, bất chấp thực tế con mới học tiểu học. Có phụ huynh cho trẻ đi học võ để ứng phó khi gặp đối tượng xấu, dù đã có nhiều cảnh báo trẻ không nên tìm cách đối đầu trực tiếp với kẻ xấu thường vượt trội hơn về thể chất.

Nguyễn Thanh tiết lộ một bí mật mà các tư vấn viên trung tâm dạy kỹ năng sống không bao giờ nhắc đến, đó là các kỹ năng đơn giản nhất nhưng lại có hiệu quả thực tế cao nhất, ví dụ như bơi hay xử lý điện giật sẽ không được nhắc đến. Lý do đơn giản là rất khó để quản lý trẻ trong việc dạy các kỹ năng kiểu này, dù rằng bơi lội, hay phòng tránh tai nạn điện là những điều thiết thực nhất trong cuộc sống hàng ngày, không chỉ của trẻ mà là của bất cứ ai. 

Trên thực tế, việc học kỹ năng sống hiện mang tính “hào nhoáng” là chính, trong khi tính hiệu quả rất khó để đo đếm. Nhìn vào chương trình học của các trung tâm kỹ năng sống sẽ thấy rất đa dạng, hấp dẫn, nào là trẻ có tính tự lập, trẻ mạnh dạn trong giao tiếp, trẻ sẵn sàng ứng phó các sự cố xấu… Và tất cả những thứ to tát đó sẽ được dạy trong khoảng 7-10 buổi học! 

Thật khó có thể tin được, chỉ vài buổi như thế có thể làm thay đổi một đứa trẻ. Trong khi ai cũng biết, để tạo thành kỹ năng, phản xạ tốt thì cần phải được rèn luyện thường xuyên, liên tục đến mức thuần thục.

Chính vì vậy, khi nhắc đến kỹ năng sống, vai trò của gia đình luôn được nhấn mạnh. Học ở trung tâm cũng có điểm tốt là tạo sự khởi đầu, nhưng việc tiến bộ và đạt hiệu quả đến đâu phụ thuộc rất nhiều vào giáo dục của gia đình, bởi đây mới chính là môi trường quen thuộc nhất của các em.

Chị Ngọc Hiền (phường 5, quận 3) cho biết: “Rất nhiều phụ huynh bận rộn nên gửi gắm niềm tin vào các trung tâm kỹ năng sống, với hy vọng chỉ cần học ở đây là trẻ đã đủ để ứng phó với các vấn đề. Trong khi chính phụ huynh, trong cuộc sống hàng ngày, sẽ đem đến cho trẻ những bài học cụ thể nhất, như: cần làm gì khi gặp người lạ, cách ứng phó khi có kẻ xấu tiếp cận, né tránh các mối nguy hiểm hàng ngày ra sao…”

Một chuyên gia tư vấn về tâm lý trẻ em đã nhận xét trên trang Facebook của mình rằng, hiện thực đã khiến các bậc phụ huynh chuyển từ mong muốn con trở thành thiên tài quay về với thực tế là trước hết cần phải giúp trẻ tồn tại với những sự cố tiêu cực trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục