Kỷ luật hành chính không nghiêm, công tác quản lý tài sản nhà nước còn bất cập

Để chuẩn bị kỳ họp thứ 4 sắp khai mạc trong tháng 5 này của Quốc hội, Chính phủ vừa gửi đến Quốc hội Báo cáo số 156/BC-CP về tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2016.

Bản Báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký, nêu nhận định khái quát: “Công tác quản lý, sử dụng tài sản công trong năm 2016 đã cơ bản đi vào nề nếp; tình trạng thất thoát, lãng phí tài sản từng bước được khắc phục; ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được nâng lên; hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản được chú trọng”.

Tuy nhiên, nhiều hạn chế trong công tác này cũng đã được Chính phủ chỉ rõ, trong đó có một thực tế là cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước vẫn chưa bao quát hết các loại tài sản công cần quản lý, nhất là tài sản có giá trị dưới 500 triệu đồng trong khu vực hành chính sự nghiệp; tài sản kết cấu hạ tầng, đất đai, tài nguyên thiên nhiên. Cũng chưa có quy định thống nhất về nguyên tắc chung trong quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công; một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ hạn chế, không đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, trong khi hệ thống tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công còn bất cập, chưa bao quát hết các đặc thù trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Trong số các nguyên nhân chủ quan, đáng lưu ý là công tác báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hàng năm chưa được thực hiện đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định. Mặc dù lẽ ra các bộ, ngành, địa phương phải gửi báo cáo về Bộ Tài chính trước ngày 15-3 hàng năm; song đến nay vẫn có tới 57 địa phương và 42 bộ, cơ quan trung ương chưa báo cáo về Bộ Tài chính.

Theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, Bộ Tài chính là cơ quan có trách nhiệm tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án thuộc các Bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (chưa bao gồm TSNN tại các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và cơ quan Việt Nam ở nước ngoài) trên phạm vi cả nước đối với 4 loại tài sản gồm: (i) đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (ii) nhà thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp; (iii) xe ôtô các loại; (iv) tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản (bao gồm cả tài sản phục vụ hoạt động của các dự án sử dụng vốn nhà nước).

Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN đã cập nhật thông tin của gần 107.000 đơn vị; trong đó có 91.514 đơn vị có tài sản thuộc 4 loại nêu trên.

Theo đó, tổng giá trị TSNN tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN tính đến ngày 31-12-2016 là 1.044.899,47 tỷ đồng; trong đó: tài sản là quyền sử dụng đất: 682.538,52 tỷ đồng, tài sản là nhà: 265.068,38 tỷ đồng, tài sản là ôtô: 23.986,30 tỷ đồng, tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản: 73.306,27 tỷ đồng. 

Tin cùng chuyên mục