Kỳ 1: Nhà tù đã đúc nên con người Nelson Mandela

Richard Stengel là một nhà báo Mỹ được ông Nelson Mandela mời viết hồi ký cho mình. Qua nhiều năm làm việc và quan sát Nelson Mandela, Richard Stengel đã hoàn thành quyển hồi ký với tựa đề “Nelson Mandela: hành trình dài đến tự do” (được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Người tù thế kỷ”). Đó là câu chuyện do chính Nelson Mandela kể lại. Richard Stengel muốn viết một quyển sách phản ảnh một Nelson Mandela qua lăng kính của mình. Và quyển sách “Nelson Mandela: Những bài học về cuộc sống, tình yêu và lòng dũng cảm” đã ra đời 2 năm trước. Chúng tôi xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.
Kỳ 1: Nhà tù đã đúc nên con người Nelson Mandela

Nelson Mandela - Những bài học về cuộc sống, tình yêu và lòng can đảm

Richard Stengel là một nhà báo Mỹ được ông Nelson Mandela mời viết hồi ký cho mình. Qua nhiều năm làm việc và quan sát Nelson Mandela, Richard Stengel đã hoàn thành quyển hồi ký với tựa đề “Nelson Mandela: hành trình dài đến tự do” (được dịch sang tiếng Việt với tựa đề “Người tù thế kỷ”). Đó là câu chuyện do chính Nelson Mandela kể lại. Richard Stengel muốn viết một quyển sách phản ảnh một Nelson Mandela qua lăng kính của mình. Và quyển sách “Nelson Mandela: Những bài học về cuộc sống, tình yêu và lòng dũng cảm” đã ra đời 2 năm trước. Chúng tôi xin trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Nelson Mandela (ảnh) có nhiều thầy giáo trong suốt cuộc đời mình, nhưng người thầy vĩ đại nhất là nhà tù. Nhà tù đã đúc nên con người mà chúng ta thấy ngày nay. Ông tìm hiểu về cuộc sống, về sự lãnh đạo từ nhiều nguồn: Từ người cha đã qua đời, từ vị vua của tộc người Thembu, người đã nuôi dưỡng ông như một người cha; từ bạn bè và đồng nghiệp Walter Silulu và Oliver Tambo; từ những hình ảnh và các nguyên thủ quốc gia như Winston Churchill và Haile Selassie; từ văn chương của Machiavelli và Tolstoy…

Nhưng 27 năm ông bị giam cầm đã trở thành lò tôi luyện vừa làm ông trở nên cứng cỏi vừa đốt cháy tất cả những gì ông không quan tâm. Nhà tù đã dạy ông tự kiểm soát mình, kỷ luật, và sự tập trung - điều mà ông cho rằng rất cần thiết đối với một nhà lãnh đạo - và nó cũng dạy ông cách trở thành một con người theo đúng nghĩa đầy đủ của nó.

Một Nelson Mandela người ra khỏi nhà tù ở tuổi 71 khác với một Nelson Mandela khi bước vào tù ở tuổi 44. Hãy nghe người bạn thân thiết của ông, Oliver Tambo, người từng là lãnh đạo ANC khi Nelson Mandela còn ở trong tù, miêu tả về một Mandela khi còn trẻ: Một Nelson Mandela đầy đam mê, nhạy cảm, day dứt với những cay đắng và sự trả đũa bằng sự xúc phạm.

Dạt dào tình cảm? Đam mê? Nhạy cảm? Nelson Mandela khi được trả tự do hoàn toàn không còn những tính cách này, ít nhất là biểu hiện bên ngoài. Ngày nay, ông thấy tất cả những tính từ đều đáng bị phê phán. Thật vậy, ông thường phê bình ai đó quá tình cảm hoặc quá đam mê hay nhạy cảm. Tôi giờ chỉ thường nghe ông khen ai “cân bằng”, “thận trọng” “kiềm chế”. Việc chúng ta đánh giá ai đó phản ánh cách thức chúng ta nhận thức được chính mình và chính những từ ông sử dụng cũng miêu tả con người ông.

Làm thế nào một chiến sĩ cách mạng đầy đam mê trở thành một chính trị gia thận trọng? Trong tù, ông phải kiềm chế phản ứng của mình đối với mọi thứ. Có rất ít thứ mà một tù nhân có thể kiểm soát. Điều duy nhất bạn có thể kiểm soát - và bạn phải kiểm soát - chính là bản thân mình. Không có không gian cho sự bùng nổ, sự nuông chiều hay vô kỷ luật. Ông không có không gian riêng. Lần đầu tiên khi tôi đến thăm xà lim nơi giam giữ ông trên đảo Robben, tôi đã há hốc mồm vì kinh ngạc. Đó không phải là không gian dành cho một con người và càng nhỏ bé so với Mandela. Ông không thể thẳng người khi ông nằm xuống. Rõ ràng, về nghĩa đen và nghĩa bóng, nhà tù đã đúc nên con người Mandela: Không có chỗ cho tình cảm, mọi thứ phải bị cắt xén, phải theo trật tự. Mỗi sáng và mỗi tối, ông phải sắp xếp vài thứ sở hữu mà ông được phép mang theo trong cái xà lim bé xíu đó.

Cùng lúc đó, ông phải đấu tranh mỗi ngày với chính quyền. Ông là lãnh đạo của các tù nhân và không thể để mình gục ngã; mọi người nhìn thấy hoặc biết ngay lập tức nếu bạn khuất phục hay thỏa hiệp. Ông thậm chí nhận thức rất sâu sắc rằng ông được những cộng sự kính trọng. Mặc dù ông bị cô lập khỏi thế giới bên ngoài nhưng nhà tù là một vũ trụ của riêng nó và ông phải dẫn dắt nó mạnh mẽ như khi ông được tự do. Và trên tất cả những điều đó, ông có thời gian, quá nhiều thời gian để suy nghĩ, lên kế hoạch và trở nên tinh tế hơn. Trong vòng 27 năm, ông suy xét không chỉ chính sách, mà còn cách thức để hành xử, cách thức để lãnh đạo, cách thức để trở thành một con người.

Mandela không phải là người hay tự vấn nội tâm, ít nhất cũng không phải dạng tự thoại về tình cảm và suy nghĩ của mình. Ông thường trở nên vỡ mộng và đôi khi bị kích động khi tôi cố gắng dẫn dắt ông phân tích tình cảm của mình. Ông không thành thạo ngôn ngữ hiện đại của tâm lý học. Ông nghiền ngẫm những dự tính lớn trong quá khứ nhưng ông ít khi nói về nó. Chỉ có một lần duy nhất, tôi thấy ông tự thương mình. Khi chúng tôi đang nói về tuổi thơ của ông, ông nhìn xa xăm và nói: “Tôi là một ông già chỉ có thể sống bằng quá khứ”. Và đó là lần ông sẵn sàng để trở thành tổng thống của một nước Nam Phi mới và lập nên quốc gia mới - giây phút chiến thắng vĩ đại.

Nhiều lần tôi hỏi ông: nhà tù đã thay đổi con người ông như thế nào? Người đàn ông bước ra khỏi nhà giam vào năm 1990 khác như thế nào với người đàn ông bước vào nhà tù vào năm 1962? Câu hỏi này làm ông khó chịu. Ông đã làm ngơ nó, đi thẳng vào vấn đề khác. Cuối cùng, một ngày nọ, ông nói với tôi trong sự ác cảm: “Tôi đã trưởng thành”.

Điều hiếm hoi nhất trên đời này là một người trưởng thành. Mandela chắc chắn sẽ đồng ý. Đối với tôi, 4 từ này gắn chặt với con người của Nelson Mandela và đó là những gì ông học hỏi được. Vì người thanh niên trẻ nhạy cảm dạt dào tình cảm không biến mất. Con người đó vẫn ẩn hiện bên trong Nelson Mandela mà chúng ta thấy ngày nay. Bằng sự trưởng thành, ông muốn nói rằng ông đã học cách kiểm soát sự bốc đồng của tuổi trẻ, không còn ray rứt hay bị tổn thương, hoặc giận dữ. Điều đó không có nghĩa bạn luôn biết cần phải làm gì và làm như thế nào, nó có nghĩa là bạn có thể kiềm chế tình cảm và sự khắc khoải.

Nhưng bạn cũng phải nhận biết rằng, không phải ai cũng có thể trở thành Nelson Mandela. Nhà tù đã tôi luyện ông, nhưng cũng làm gục ngã nhiều người. Tôi hiểu rằng, nhà tù cũng làm ông trở nên dễ thông cảm hơn. Ông không bao giờ lên án những người đã đầu hàng. Qua thời gian, ông càng thông cảm hơn với nỗi sợ của con người. Theo cách nào đó, ông đang chiến đấu cho quyền của mỗi con người không bị ngược đãi như là họ đang bị ngược đãi vậy. Thật sự ông chẳng bao giờ đánh mất sự mềm yếu hay nhạy cảm trong con người trẻ tuổi của mình. Ông chỉ tạo dựng một lớp vỏ bọc cứng rắn hơn và không dễ vỡ để bảo vệ tình cảm mềm yếu đó.

VIỆT TRUNG (dịch)

Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới sẽ dự lễ tang ông Nelson Mandela

Sáng 9-12, đại diện Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam cho biết đã chính thức mở sổ tang cho người dân đến viếng và ghi sổ tang cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từ 9 giờ đến 16 giờ các ngày từ 9 đến 13-12, tại tầng 3, tòa nhà trung tâm, số 31 Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Tính đến ngày 8-12 đã có 53 nhà lãnh đạo Nhà nước và Chính phủ trên thế giới, trong đó có 13 nhà lãnh đạo các nước châu Phi, xác nhận sẽ tham dự tang lễ cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela vào ngày 10-12 tại thành phố Johannesburg.

Trong số các nhà lãnh đạo sẽ tham dự lễ tang có Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Thủ tướng Anh David Cameron và Thái tử Anh Charles, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều, Thái tử Nhật Bản Naruhito, Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng phu nhân Michelle Obama. Ngoài ra, 26 nghị sĩ Mỹ cùng các cựu Tổng thống George W. Bush và Bill Clinton cũng tới tham dự. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-Moon cùng nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng sẽ có mặt tại lễ viếng.

Lễ tang ông Mandela sẽ được cử hành trọng thể vào lúc 11 giờ ngày 10-12, tại sân vận động Soccer City ở TP Johannesburg, nơi ông Mandela xuất hiện lần cuối cùng trước công chúng trong dịp World Cup 2010 tại Nam Phi. Dự kiến, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma sẽ đọc điếu văn tại lễ tang ông Mandela trước khi các nhà lãnh đạo quốc tế vào viếng. Thi hài ông Mandela sẽ không được đặt tại sân vận động Soccer City trong ngày tổ chức tang lễ, mà sẽ được chuyển từ một bệnh viện quân đội tới Dinh Tổng thống ở thủ đô Pretoria vào ngày 11-12 dưới hình thức một lễ rước linh cữu qua các đường phố để người dân đưa tiễn lần cuối. Sau đó, thi hài ông Mandela sẽ được quàn tại Dinh Tổng thống đến hết ngày 13-12.

VIỆT ANH

>> Nelson Mandela vĩ đại

Tin cùng chuyên mục