Khai mạc phiên họp thứ 10 của UBTVQH:

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát

Sáng 15-5, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 10, phiên họp cuối cùng của Ủy ban ngay trước thềm kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.

Sau phát biểu khai mạc phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trình bày báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ảnh 1 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 10. Ảnh: quochoi.vn
 Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện so với Quý I. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số CPI bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2016, thấp hơn mức bình quân của Quý I (4,96%), lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm 2017 tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ.

Sản xuất, kinh doanh đã có chuyển biến tích cực so với Quý I, trong đó nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục đà phục hồi, nhưng một số ngành vẫn gặp nhiều khó khăn như sâu bệnh, giá thịt lợn giảm sâu, dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát...

Công nghiệp tăng trưởng tốt hơn Quý I nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn ngành 4 tháng tăng 5,1%, cao hơn mức tăng trưởng của Quý I (4,1%) nhưng thấp hơn so với cùng kỳ (7,4%).

Khu vực dịch vụ duy trì đà tăng tưởng cao. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng ước tăng 9,6% so với cùng kỳ.

Du lịch có bước khởi động vào mùa khá tốt, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh, tổng lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 4,3 triệu lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ.

Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trưởng, tuy nhiên nhập khẩu tăng trưởng cao hơn xuất khẩu và nhập siêu gia tăng. Tính chung 4 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 61,34 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 64,07 tỷ USD, tăng 24,9%. Nhập khẩu tăng mạnh hầu hết là các mặt hàng thuộc nhóm nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và nhóm máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất. Nhập siêu là 2,74 tỷ USD, chiếm 4,47% kim ngạch xuất khẩu.

Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước đã có dấu hiệu khả quan. Ước tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước so với kế hoạch được Quốc hội thông qua là 19,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (18%).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 10,58  tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, ước thực hiện giải ngân các dự án FDI chỉ đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm.

Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp tiếp tục được cải thiện. Tính chung 4 tháng đầu năm 2017, cả nước có thêm 39.580 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 369,6 nghìn tỷ đồng, tăng 14% về số doanh nghiệp và tăng 48,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, lao động việc làm, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, thông tin truyền thông cũng đều có những chuyển biến tích cực. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia, tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2017 cơ bản hoàn thành. Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đã bắt đầu hình thành và đang phát triển nhanh…

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm 2017 đến nay nhìn chung có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là về khả năng phục hồi về tăng trưởng, thương mại và giá cả các mặt hàng cơ bản. Tuy nhiên, yếu tố tích cực của kinh tế thế giới chỉ là trong ngắn hạn. Về dài hạn, xu thế phát triển của kinh tế thế giới vẫn chứa đựng nhiều rủi ro, bất định và phức tạp, tạo ra sự khó đoán định. Trong bối cảnh đó, các nền kinh tế đang phát triển và tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, trong đó có Việt Nam, cần dự tính các phương án kịch bản để có giải pháp ứng phó phù hợp.

Tình hình kinh tế - xã hội trong nước trong thời gian tới vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát dự báo chịu nhiều sức ép. Thị trường hàng hoá sẽ chịu tác động của các yếu tố như dịch bệnh trên vật nuôi (cúm gia cầm) đang có nguy cơ bùng phát; giá cả nhóm hàng nhiên liệu năng lượng trên thị trường thế giới có xu tăng ảnh hưởng tới giá xăng bán lẻ trong nước; giá một số mặt hàng nhà nước quản lý như phí dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện vẫn tiếp tục lộ trình tăng nhằm tiếp cận giá thị trường, lương cơ bản điều chỉnh tăng... sẽ làm tăng chỉ số giá trong năm 2017.

Tin cùng chuyên mục