Kinh tế tăng, chuẩn “thở” giảm

Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra con số tính toán sơ bộ, mỗi người dân đô thị cần khoảng 10m² diện tích cây xanh hoặc 25m² thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống.
Mảng xanh bên Quốc lộ 1 qua quận Bình Tân, TPHCM
Mảng xanh bên Quốc lộ 1 qua quận Bình Tân, TPHCM
Thế nhưng, đặt trong bối cảnh đất chật người đông như siêu đô thị TPHCM, chuẩn sống ấy là cả một niềm mơ ước xa vời.

Vẽ xanh um, xây… ngộp thở

Theo quy hoạch công viên cây xanh TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, chỉ tiêu cây xanh khu vực nội thành là 2,4m²/người, khu vực nội thành mở rộng là 7,1m²/người, còn ngoại thành 12m²/người. 

Chỉ tiêu về mật độ cây xanh trong các đồ án quy hoạch, thiết kế cơ sở của khu dân cư, đô thị mới được chú trọng hơn với hy vọng giữ được nhiều diện tích không gian mở, tăng diện tích cây xanh để tránh lặp lại việc phát triển nhà cửa ồ ạt, thiếu mảng xanh của khu nội thành cũ. Tuy nhiên, rất nhiều dự án nhà ở đã không thực hiện đúng quy hoạch về cây xanh.

Khi thu nhập được cải thiện, nhu cầu của người dân cũng tăng lên, nên việc lựa chọn nhà ở không chỉ là 4 bức tường che nắng mưa mà còn là không gian sống thoáng đãng, môi trường trong lành, có công viên để vui chơi giải trí, tập thể dục thể thao… Vì thế, các chủ đầu tư thi nhau đưa ra những phối cảnh dự án nhà ở đẹp với khoảng không bao la và cây xanh mát cả mắt. Tuy nhiên, rất nhiều khách hàng khi nhận nhà mới bật ngửa vì chẳng thấy cây xanh, công viên đâu mà chỉ là bãi đất trống toàn cỏ dại và rác; thậm chí, diện tích vốn được thuyết minh sẽ xây công viên chỉ thấy toàn nhà và nhà. Người dân ở nhiều khu chung cư của quận Gò Vấp đang ở trong tình thế bức xúc như vậy! Các cư dân cho rằng, họ đã bị chủ đầu tư lừa, bởi họ quyết định mua căn hộ khi nghe chủ đầu tư quảng cáo mật độ xây dựng chỉ khoảng 36% - 37% diện tích khu đất và thiết kế có 2 công viên cây xanh nên không gian rất thoáng đãng. Thế nhưng, khi số lượng dân cư gần như đã lấp đầy nhiều chung cư nhưng công viên chẳng thấy đâu, khiến không gian vô cùng ngột ngạt. Còn 2 khu đất dự kiến xây dựng công viên đều là bãi đất trống đầy cỏ dại và rác, vì nằm ở trước mặt tiền chung cư nên rất nhếch nhác, mất mỹ quan.

Tương tự, một số khu dân cư ở quận 9 cũng đang lo lắng trước nguy cơ mất đi diện tích công viên cây xanh. Người dân về ở khu vực này đã hơn 10 năm vẫn không thấy bóng dáng 2 công viên cây xanh như quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đã được duyệt. Thậm chí, mới đây có chủ đầu tư còn tiến hành thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất công viên với diện tích 4.600m² để xây thêm nhà chung cư!

Các chuyên gia về đô thị và luật sư đều cho rằng, công viên cây xanh cũng như các công trình công cộng đều đã được tính vào giá thành đầu tư và giá bán, rõ ràng khách hàng đã trả tiền để mua căn hộ và không gian sống. Việc chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ các hạng mục hay chiếm dụng diện tích công trình công cộng, không chỉ vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý quy hoạch, xây dựng mà còn vi phạm hợp đồng. 

Mảng xám “trám” mảng xanh

Diện tích sàn xây dựng liên tục tăng qua các năm nhưng diện tích cây xanh đô thị lại có chiều hướng giảm. Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia năm 2016 được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây cho thấy, hệ thống cây xanh, công viên đô thị tại các thành phố lớn chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng; tỷ lệ đất cây xanh, công viên đạt rất thấp so với tiêu chuẩn quy định. Mật độ cây xanh chưa đạt tiêu chuẩn về độ che phủ cũng như cân bằng hệ sinh thái. Hệ thống cây xanh mới hình thành và tập trung tại các đô thị lớn và trung bình; còn tại các đô thị nhỏ, cây xanh chiếm diện tích không đáng kể. 

Cụ thể, tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, mật độ cây xanh đầu người chỉ đạt khoảng 1 - 2m²/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Còn tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9257: 2012 về quy hoạch cây xanh sử dụng công cộng trong các đô thị - tiêu chuẩn thiết kế, đối với đô thị đặc biệt, tiêu chuẩn đất cây xanh sử dụng công cộng từ 12-15m²/người; trong đó đất cây xanh công viên từ 7-9m²/người, đất cây xanh vườn hoa từ 3-3,6m²/người và đất cây xanh đường phố 1,7-2m²/người. 

Như vậy, tiêu chuẩn cây xanh cả Hà Nội lẫn TPHCM đều không đạt chuẩn. Chưa kể, nếu phân chia địa bàn thì chắc chắn mật độ cây xanh ở các khu trung tâm sẽ còn thấp hơn con số ấy. Cùng với diện tích cây xanh, mặt thoáng và mặt nước còn bị giảm xuống đáng kể.

Tuy nhiên, tại TPHCM mật độ cây xanh dường như đang giảm thêm. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thành phố 9 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng đạt 17,27%, tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh đạt 40,01%. Suy ra, diện tích cây xanh hiện nay khoảng 4 triệu m², chia bình quân cho 13 triệu dân thì tiêu chuẩn cây xanh đô thị hiện nay chỉ đạt 0,3m²/người.

Cây xanh đô thị đóng vai trò rất quan trọng trong việc mang lại lợi ích cho con người, xã hội và môi trường, có tác dụng hấp thụ bức xạ nhiệt của Mặt trời, làm giảm các “đảo nhiệt”, hấp thụ khí CO2 và các khí độc hại trong môi trường, tạo ra các không gian xanh nhằm duy trì cảnh quan xanh cho thành phố. 

Không gian xanh đóng góp tích cực để tạo ra giá trị vật chất, tinh thần và môi trường sống không những cho cá nhân riêng rẽ mà còn cho cộng đồng dân cư trong đô thị. 

Cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm nhiệt độ không khí từ 3,30 - 3,90°C khi diện tích đất cây xanh đạt 20% - 50% diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm 17% - 57% năng lượng cần thiết cho hệ thống điều hòa không khí khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. 

Cây xanh đô thị có thể hấp thụ từ 40% - 50% cường độ bức xạ Mặt trời. 

Cây xanh 2 bên đường phố có thể giảm lượng bụi trong không khí đối với những tầng trên của nhà cao tầng từ 30% - 60%. 

Trung bình 1ha rừng hay vườn cây rậm rạp có thể hấp thụ 1.000kg khí CO2 và thải ra 730kg khí O2 mỗi ngày. 

Như vậy, mỗi người dân đô thị cần diện tích khoảng 10m² cây xanh hoặc 25m² thảm cỏ để đảm bảo không khí trong lành cho cuộc sống
Kiến nghị được xử lý vi phạm

Ông Phan Ngọc Phúc, Phó chánh thanh tra Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, cho biết lực lượng thanh tra sở được thành lập từ năm 2010 với nhiệm vụ chính là kiểm tra, phát hiện sai sót của các đồ án phân khu đã được duyệt, việc lập và phê duyệt đồ án chi tiết 1/500 có đúng với quy hoạch phân khu hay không, cấp phép xây dựng có đúng với các quy hoạch được duyệt hay không… 

Việc thanh tra, kiểm tra của sở mang tính chất phát hiện, giúp các đơn vị khắc phục sai sót trong quá trình lập đồ án quy hoạch. Chẳng hạn phát hiện quy hoạch tại quận Bình Tân có sự sai khác giữa đồ án mềm lưu trữ trên máy tính với đồ án giấy. Cụ thể là vị trí trên bản đồ giấy là công viên cây xanh, công trình công cộng, còn trên bản đồ mềm lại là khu dân cư. Sở đã báo cáo UBND TPHCM chỉ đạo Thanh tra TP làm rõ và đề xuất hướng xử lý. 

Sau gần 10 năm triển khai, những sai sót trong khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch tại các quận huyện cũng được cải thiện nhiều. Tuy nhiên, Thanh tra Sở QH-KT không có chức năng xử lý vi phạm, nếu phát hiện sai phạm sẽ báo cáo với UBND TP hoặc các quận huyện, sở ngành tùy từng cấp và lĩnh vực để xử phạt. Theo ông Phúc, đây là vấn đề bất cập, do không được kiểm tra, xử lý các công trình sau thực hiện quy hoạch nên không kiểm soát được việc các đồ án có triển khai thực hiện đúng quy hoạch được duyệt hay không… 

Điều 15 Luật Quy hoạch đô thị quy định Thanh tra xây dựng thực hiện chức năng thanh tra quy hoạch đô thị. Vì thế, Thanh tra Sở QH-KT chỉ phối hợp nhưng thời gian qua sự phối hợp chưa tốt vì rất ít lần phối hợp, trừ vài trường hợp sai phạm lớn do UBND TP chỉ đạo Thanh tra Sở QH-KT tham gia đánh giá, thẩm định các chỉ tiêu QH-KT có làm đúng, sai phạm đến đâu... 

Từ những bất cập đó, Thanh tra Sở QH-KT TPHCM thống nhất với Thanh tra Sở QH-KT TP Hà Nội cùng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cho phép thanh tra chuyên ngành được xử phạt và kiểm tra các công trình thực hiện có đúng quy hoạch hay không.

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM có nhiều chủ đầu tư vi phạm về quy hoạch trong quá trình thực hiện dự án, như không đầu tư các hạng mục công trình công cộng đúng quy hoạch, tự ý thay đổi công năng công trình sai với quy hoạch được duyệt hoặc hoán đổi vị trí các công trình, xây dựng trên đất không được xây dựng (hành lang bảo vệ sông, hành lang an toàn giao thông…). Các vi phạm này dẫn đến nhiều hậu quả kéo dài đến nay nhưng vẫn chưa xử lý được như tranh chấp quyền sử dụng, quyền sở hữu giữa chủ đầu tư và khách hàng… chưa kể gây mất an toàn đối với cộng đồng. 
VI NAM

Tin cùng chuyên mục