Kinh tế số, IoT và thách thức an ninh mạng

Ngày 29-3, tại hội thảo “Kinh tế số và chính sách an ninh mạng Việt Nam” diễn ra ở Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Minh Hồng cho rằng thế giới ngày nay đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) dựa trên nền tảng là sự phát triển của CNTT-TT đã mở ra nhiều cơ hội và lợi ích to lớn trong trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội.
 Tuy nhiên, những thành tựu của CNTT và các dịch vụ, ứng dụng trên không gian mạng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. 
Bà Ping Kinikone, Đại sứ Canada tại Việt Nam, cho biết an ninh mạng là thách thức toàn cầu hiện nay, những cuộc tấn công mạng diễn ra ở Mỹ, Canada, châu Âu và nhiều nước khác, trong đó có Việt Nam. Hãng bảo mật Kaspersky cho biết, năm 2017 có trên 35% người dùng Internet tại Việt Nam có khả năng bị tấn công mạng, xếp thứ 6 thế giới. Số liệu từ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam và Bkav cho hay, trong năm 2017, Internet tại Việt Nam đã bị đe dọa bởi 10.000 vụ tấn công mạng, gây thất thoát khoảng 12.300 tỷ đồng. Điều đó cho thấy nhận thức của người sử dụng cũng như các nhà lập pháp về an ninh mạng, an toàn thông tin (ATTT) vẫn còn hạn chế. 
Bản thân người sử dụng các trang thông tin điện tử, các trang mạng xã hội không nhận thức được mức độ nguy hiểm của các hành vi tấn công trên mạng, không trang bị các kiến thức cơ bản về việc bảo vệ an toàn các tài khoản cá nhân như tuân thủ các yêu cầu về bảo mật. Chính điều này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của tội phạm mạng, hoặc của các hành vi tấn công mạng, đánh cắp hoặc làm sai lệch các thông tin đời tư cá nhân. 
An ninh mạng cũng là vấn đề lớn khi những thiết bị Internet kết nối vạn vật (IoT) đã trở nên phổ biến, thâm nhập vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của xã hội. Với khoảng 7,1 triệu thiết bị thông tin mới được kết nối Internet mỗi ngày, kèm theo đó là hàng loạt lỗ hổng mất an toàn được phát hiện, hàng tỷ thiết bị kết nối Internet thu thập và chia sẻ lượng thông tin cực lớn hàng ngày đang là mục tiêu hấp dẫn của tin tặc. 
Thị trường thiết bị IoT thế giới đang có tốc độ tăng trưởng 30% và doanh thu đạt khoảng 3.000 tỷ USD vào năm 2020. Tại Việt Nam, khá nhiều doanh nghiệp viễn thông, CNTT tham gia sản xuất thiết bị IoT. Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam cũng như thế giới, nhiều thiết bị trôi nổi không đảm bảo ATTT, các lỗ hổng bị khai thác, tấn công. Theo thống kê của Cục ATTT, trong 316.000 camera giám sát được kết nối và công khai trên mạng Internet, hơn 147.000 thiết bị có lỗ hổng; thiết bị router Việt Nam có khoảng 28.000 địa chỉ của thiết bị IoT đã bị tấn công bằng mã độc Mirai và các biến thể Mirai. Thống kê của một số hãng bảo mật cho thấy, đến hết tháng 12-2017, có khoảng 7.000 dòng mã độc, phần mềm độc hại đã tấn công các thiết bị IoT. 
“Trong bối cảnh của cuộc CMCN 4.0, khi Việt Nam đang thúc đẩy kinh tế số, Việt Nam cần tìm được một điểm cân bằng giữa việc thúc đẩy phát triển kinh tế số với việc áp dụng các chính sách an ninh mạng. Tiềm năng của kinh tế số rất lớn, do đó Việt Nam cần có những nỗ lực để thúc đẩy, tối ưu hóa nguồn lực này, nhưng đồng thời song hành với đó cũng cần quan tâm đến vấn đề an ninh mạng”, bà Ping Kitnikone khuyến nghị. Trong khi đó, ông Nathaniel Jurist Gleicher, Giám đốc chính sách an ninh mạng của Facebook, cho biết an ninh mạng liên quan đến nhiều chủ thể, liên quan đến tất cả những người tham gia vào môi trường Internet. Vì vậy, để hiểu được nhiều thách thức mà cộng đồng gặp phải, tất cả những chủ thể tham gia vào quá trình phát triển kinh tế số, môi trường Internet phải kết nối chặt chẽ với nhau để giải quyết vấn đề. 

Tin cùng chuyên mục