Kinh tế “ngầm” được hiển thị

Việc tính toán đầy đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP sẽ cho thấy bức tranh chân thực hơn về hiện trạng nền kinh tế, từ đó, hoạch định chính sách phù hợp hơn.
Ngoài việc hạn chế thất thu thuế, thì việc tính đúng, tính đủ bộ phận kinh tế chưa được quan sát còn giúp bảo vệ phúc lợi xã hội tốt hơn cho người lao động ở khu vực phi chính thức - những người thường không tiếp cận được với mạng lưới an sinh xã hội.
Chính thức hóa để tăng khả năng tiếp cận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho họ là rất quan trọng. Tuy nhiên, không phải không có cơ sở để lo ngại về những rủi ro nhất định một khi đưa khu vực kinh tế này vào để tính GDP mà không bảo đảm độ chính xác.
Chẳng hạn, theo chuyên gia chính sách công Nguyễn Quang Đồng, khi GDP tăng (do cộng thêm đóng góp của khu vực chưa được quan sát) thì trần nợ công, tỷ lệ bội chi cũng sẽ tăng thêm, đẩy ngưỡng nợ công tăng cao, gây rủi ro về an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh khả năng trả nợ còn hạn chế. 
Tại cuộc thông tin định kỳ cho báo chí mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Bích Lâm cho biết sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê đóng góp của khu vực kinh tế chưa được quan sát vào tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong quý 1 năm nay. 
Khu vực kinh tế chưa được quan sát, theo người đứng đầu Tổng cục Thống kê, bao gồm 5 thành tố: kinh tế ngầm; kinh tế phi pháp; kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.
Trong số 5 thành tố này, ông Nguyễn Bích Lâm thừa nhận Tổng cục Thống kê đã thu thập và tính toán một phần của các thành tố thứ 3, 4 và 5; song việc thống kê khu vực kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp (thành tố 1 và 2 kể trên) là vô cùng khó khăn, ngay cả với các nước phát triển. 
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phân tích, doanh nghiệp luôn có 2 loại báo cáo là báo cáo thuế và báo cáo nội bộ. Sự chênh lệch số liệu giữa 2 báo cáo này được coi là kinh tế ngầm. Loại này không thể thống kê được, trừ khi doanh nghiệp bị điều tra. Hoạt động kinh tế phi pháp như buôn lậu, mại dâm, ma túy… có nước thống kê, nhưng nhiều nước (như Mỹ) là để phục vụ yêu cầu quản lý chứ không tính vào GDP. Mặt khác, dù có tính thêm vào GDP thì ngân sách cũng khó lòng thu được thuế từ khu vực này, nghĩa là khả năng thanh toán nợ công và giảm bội chi hầu như không tăng lên so với khi chưa tính thêm GDP.
Vậy làm thế nào để “dựng” được bức tranh chân thực nhất của nền kinh tế? Từ góc độ kỹ thuật thống kê, chuyên gia Bùi Trinh lưu ý cần thực hiện đúng phương pháp của Liên hiệp quốc: tính GDP dựa trên tổng cầu cuối cùng, tức là GDP cần được tính trực tiếp bằng phương pháp chi tiêu cuối cùng. Về khía cạnh xã hội, phải hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật chặt chẽ để ngăn chặn các hoạt động phi pháp; bao gồm cả nạn tham nhũng, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ - chính là những “mầm mống” của kinh tế ngầm.
Bên cạnh đó, cần khuyến khích kinh tế hộ gia đình phát triển lớn mạnh để trở thành các doanh nghiệp thông qua việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, công bằng, minh bạch. 
Ngoài ra, người tiêu dùng cuối cùng cũng cần từng bước làm quen với việc hạn chế sử dụng tiền mặt; yêu cầu hộ/cá nhân kinh doanh xuất hóa đơn và giữ lại hóa đơn thanh toán hàng hóa dịch vụ (để thu được thuế từ hộ gia đình). Một biện pháp hay mà nhiều nước đã áp dụng để khuyến khích người tiêu dùng làm việc này là định kỳ hàng tháng cơ quan thuế sẽ quay số để chọn ra chủ nhân của số hóa đơn trúng thưởng...

Tin cùng chuyên mục