Kinh tế hợp tác trong nông nghiệp - nhìn từ ĐBSCL

Thông tin Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã (KTTT, HTX) trong lĩnh vực nông nghiệp, diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần qua cho biết, hiện cả nước có khoảng 23.000 HTX, trong đó số lượng HTX nông nghiệp chiếm hơn 60%.

 Trong số này, có khoảng 55% HTX nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả, điều này đã làm gia tăng thu nhập cho thành viên lên 20%/năm; trong đó, những mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao đã giúp gia tăng thu nhập cho thành viên thêm 35%/năm. Đây chính là hiệu quả của kinh tế tập thể kiểu mới, khác với mô hình kiểu cũ.

Riêng tại ĐBSCL, từ tháng 3-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 445/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới. Đề án nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các HTX tại ĐBSCL, đặc biệt là HTX nông nghiệp; giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt trên thị trường, gia tăng lợi ích thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng.

Qua hai năm thực hiện đề án, kinh tế hợp tác khu vực ĐBSCL đã có bước phát triển đáng kể cả về lượng và chất. Nếu như trước khi triển khai đề án, toàn vùng chỉ có 1.251 HTX nông nghiệp, thì đến cuối năm 2018 đã tăng lên 1.803 HTX. Quy mô về số lượng thành viên và sản xuất cũng tăng lên đáng kể; từ bình quân 77 thành viên/HTX đã tăng lên 130 thành viên/HTX. Công tác chỉ đạo, hỗ trợ HTX đã có bước chuyển biến, được các cấp, các ngành quan tâm hơn. Nhiều HTX đã tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Nhà nước; quy mô, phương thức hoạt động có sự thay đổi mạnh mẽ. Điều đó khẳng định đây là con đường duy nhất cho phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL, nhằm vượt qua thách thức về kinh tế thị trường, biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững.

Cụ thể, hoạt động của HTX nông nghiệp ứng phó với BĐKH thể hiện ở các công việc tổ chức, lập kế hoạch đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm và tiếp nhận sáng kiến của người dân về ứng phó với BĐKH; Bố trí lại mùa vụ, cơ cấu cây trồng, lựa chọn và cung ứng vật tư, phân bón, cây con giống thích hợp với điều kiện BĐKH; Tổ chức xuống giống cùng thời điểm; Cung cấp dịch vụ tưới tiêu và quản lý đê bao, bờ vùng, bờ thửa; Hỗ trợ thành viên tham gia chuỗi giá trị nông sản; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quan trắc, sản xuất nông nghiệp. Hiện nay ở tất cả các địa phương của ĐBSCL đều có những HTX nông nghiệp tổ chức cộng đồng, nông dân ứng phó với BĐKH hiệu quả, cụ thể như hàng chục HTX nông nghiệp ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang tổ chức nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 vụ lúa sang mô hình lúa tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng, có lợi nhuận ròng là 52,2 triệu đồng/ha/năm, trong khi canh tác thuần lúa nông dân chỉ có lợi nhuận ròng là 39,2 triệu đồng/ha/năm. Tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, các mô hình HTX nông nghiệp đang ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo trên quy mô cả chục ngàn hécta, nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.

Theo các chuyên gia, đại diện các HTX, tại ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp không chỉ chuyển đổi mạnh theo cơ chế thị trường, mà phải đồng thời bảo đảm thích ứng với BĐKH. Điều này càng thấy được ý nghĩa của HTX kiểu mới trong tổ chức thực hiện sản xuất đồng bộ, bền vững và gia tăng lợi nhuận cho từng xã viên. Thí dụ, một hệ thống kiểm soát và điều khiển tưới thông minh bằng phần mềm cho các cánh đồng trồng trọt quy mô nhỏ và vừa có thể tiết kiệm nước bằng cách tưới về đêm, khi đó tỷ lệ bốc hơi của nước ít hơn, nhiệt độ đất mát hơn, cây trồng hấp thụ nước tốt hơn dẫn đến hiệu quả tưới cao hơn, tưới ít mà năng suất, tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước.

Tuy nhiên, phát triển KTTT, nhất là mô hình HTX kiểu mới trong nông nghiệp ở ĐBSCL vẫn còn nhiều thách thức. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương đổi mới và phát triển KTTT, HTX, thì chính quyền, các doanh nghiệp cần tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn việc phát triển HTX nông nghiệp theo cơ chế thị trường và thích ứng với BĐKH để củng cố vai trò chiến lược về sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Phải quán triệt rõ hơn vai trò của HTX kiểu mới, không làm triệt tiêu vai trò của kinh tế hộ gia đình mà gia tăng hơn lợi ích cho hộ gia đình để chính quyền, doanh nghiệp vun đắp, phát triển các mô hình mới này.

Tin cùng chuyên mục