Kinh doanh hóa chất phải có kiến thức, nghiệp vụ

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ cháy cơ sở sản xuất - kinh doanh hóa chất. Cảnh sát PCCC TPHCM khuyến cáo, các sự cố, tai nạn liên quan đến hóa chất dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. 

Chủ cơ sở, người lao động và mọi người cần nêu cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC. Địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn cùng với ngành PCCC trong công tác cấp phép, giám sát, xử lý các vi phạm về PCCC… 

Kinh doanh hóa chất phải có kiến thức, nghiệp vụ ảnh 1 Một cảnh sát bị thương khi tham gia chữa cháy tại Công ty Tân Hồng Thái

Hậu quả nghiêm trọng

Chiều 13-9, nhiều tiếng nổ lách tách kèm theo khói đen bất ngờ phát ra tại một cơ sở kinh doanh hóa chất nằm sâu trong hẻm 638 đường Lê Trọng Tấn (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TPHCM). Ít phút sau, đám cháy bùng phát dữ dội, mùi hóa chất tỏa ra nồng nặc cả một khu vực. Sự cố khiến hàng chục công nhân làm việc tại cơ sở và người dân sống trong hẻm tháo chạy ra ngoài. Lực lượng cảnh sát PCCC quận Bình Tân với hàng chục xe cứu hỏa và gần 100 cán bộ - chiến sĩ nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Hơn một giờ sau, đám cháy được dập tắt. Trước đó, sáng sớm 27-7, kho chứa sơn PU của ông Trần Hữu Lợi ở ấp 3, xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh) cũng xảy ra hỏa hoạn. Sức nóng của đám cháy hóa chất làm cấu kiện công trình biến dạng, đổ sập. Vụ cháy được cảnh sát PCCC chuyên nghiệp dập tắt kịp thời, không để cháy lan ra xung quanh. Tổng thiệt hại tài sản của 2 vụ cháy lên đến hàng tỷ đồng. 

Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, đây là 2 trong số hơn 50 vụ cháy liên quan đến hóa chất xảy ra trên địa bàn thành phố trong 2 năm gần đây. Tính chất của các vụ cháy này rất phức tạp, nếu không được can thiệp, xử lý kịp thời hậu quả sẽ rất khôn lường. Ngoài khả năng bị bỏng do lửa, người làm việc tại cơ sở, người tham gia chữa cháy ở các vụ cháy hóa chất có thể bị bỏng, bị thương do hóa chất phát nổ hoặc bị ngộ độc do hít phải khí độc. Nguyên nhân gây cháy thường xuất phát từ việc thiếu kiến thức của người dân (chủ cơ sở, người lao động…) trong sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng hóa chất; thiếu giám sát, quản lý chặt chẽ của cá nhân, tổ chức có trách nhiệm; bất cẩn trong tồn trữ, sử dụng hóa chất… 

Hậu quả từ các vụ cháy nổ hóa chất rất đáng lo ngại, song công tác phòng ngừa cháy nổ đối với lĩnh vực này hiện rất lơ là, nhất là chủ cơ sở, người lao động trực tiếp sản xuất, mua bán hóa chất. Điển hình như chợ kinh doanh hóa chất Kim Biên (quận 5). Tại cửa hàng Thanh Loan, có rất nhiều bình, bao chứa hóa chất được chất thành đống, không tách bạch riêng từng khu, từng loại để tránh sự cố phản ứng hóa học, gây nổ. Một số bình khí dễ bén lửa như: ga chuối 2, cạc-bon-đi-ô-xít; heli, krybton… được chủ cơ sở, cửa hàng để gần ổ điện, tủ điện. Tại một số cơ sở hóa chất nằm trên địa bàn huyện Bình Chánh, quận Bình Tân cũng vi phạm các lỗi tương tự. 

Thắt chặt quản lý, giám sát

Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, kể từ sau khi vụ nổ ở Công ty Đặng Huỳnh (quận 12) làm 3 người chết, 5 người bị thương và vụ cháy ở Công ty Nhập khẩu hóa chất Tân Hồng Thái (huyện Bình Chánh) vào năm 2014, TPHCM đã thắt chặt hơn công tác quản lý nhà nước về PCCC đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất. Vụ nổ ở Công ty Đặng Huỳnh là bài học đắt giá về công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hóa chất, sự chấp hành các quy định về PCCC của chủ cơ sở, người lao động. 

Để nâng cao hiệu quả trong phòng ngừa cháy nổ hóa chất, theo Cảnh sát PCCC TPHCM, trước hết chính quyền, ngành chức năng phải thắt chặt các điều kiện hoạt động như giấy phép, nghiệp vụ - kiến thức của công nhân lao động… Đây là các yếu tố cực kỳ quan trọng trong phòng ngừa cháy nổ hóa chất. Cảnh sát PCCC TPHCM cũng đề nghị các quận huyện cần rà soát thống kê, di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh hóa chất ra khỏi khu dân cư để tránh hậu quả nặng nề hơn khi xảy ra sự cố cháy nổ. 

Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất, cần phải xem xét hướng gió khi xây dựng nhà xưởng; kho chứa phải đặt ở cuối hướng gió, cách xa nguồn nước, khu dân cư; xung quanh có hàng rào bảo vệ, bên ngoài phải treo biển cấm lửa, cấm hút thuốc. Đầu tư, lắp đặt trang thiết bị PCCC phù hợp với tính chất nguy hiểm của hóa chất để chữa cháy hiệu quả; đồng thời, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân chống độc thích hợp khi chữa cháy; cần phân loại, xếp riêng các loại hóa chất dễ cháy nổ, hóa chất kỵ nước. Không bố trí, sắp xếp hóa chất gần các thiết bị dẫn điện. Chủ cơ sở phải ý thức tốt trong PCCC, thường xuyên tuyên truyền, có biện pháp mạnh đối với công nhân sử dụng ngọn lửa trần, hút thuốc lá hoặc mang vật có thể phát lửa (bao diêm, bật lửa…) vào các vị trí để hóa chất hoặc nguyên liệu dễ cháy nổ. Mỗi cơ sở phải có đội PCCC chuyên ngành có kiến thức về hóa chất, được trang bị về kỹ năng xử lý các đám cháy hóa chất. 

Tại các quận huyện, cần có biện pháp mạnh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất vi phạm các quy định về PCCC để răn đe, thậm chí có thể tạm đình chỉ hoạt động.

Tin cùng chuyên mục