“Kim thiền thoát xác”

Sau 2 mùa thi để lại nhiều điều tiếng, đặc biệt là những lùm xùm liên quan đến người giành vương miện mùa thi lần thứ 2 Lê Âu Ngân Anh, cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam vừa bất ngờ công bố sẽ tổ chức tại Mỹ vào tháng 7 tới.

Việc cuộc thi này tiếp tục thông báo tổ chức đã vấp phải nhiều phản ứng. Bởi không ai nghĩ với quá nhiều tai tiếng và vi phạm đến mức thách thức cơ quan quản lý nhà nước, các quy định pháp luật liên quan lẫn dư luận xã hội, mà Hoa hậu Đại dương Việt Nam vẫn ngang nhiên tồn tại. Sau khi những lùm xùm liên quan đến việc vi phạm quy chế thi của thí sinh đăng quang (cụ thể là đã qua phẫu thuật thẩm mỹ), Cục Nghệ thuật biểu diễn đã gửi công văn đề nghị ban tổ chức cuộc thi hủy kết quả của Lê Âu Ngân Anh. Thế nhưng cá nhân Lê Âu Ngân Anh lẫn ban tổ chức vẫn phớt lờ, thậm chí sau đó dù Cục Nghệ thuật biểu diễn không cấp phép để tham gia cuộc thi Hoa hậu Liên lục địa 2018 nhưng cô này vẫn bất chấp tham dự.

Đơn vị sở hữu bản quyền cuộc thi đã thực hiện màn “kim thiền thoát xác” đầy ngoạn mục, hô biến để đưa tên gọi một cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia tại Việt Nam trở thành một cuộc thi nhan sắc ở hải ngoại, nơi vốn dĩ từ trước đến nay vẫn mang tiếng là những cuộc thi ao làng, chẳng ai công nhận. 

Điều đáng nói là dù mang danh nghĩa tổ chức tại Mỹ, nhưng theo thông báo từ ban tổ chức, cuộc thi vẫn sẽ có các vòng sơ tuyển tại Việt Nam (và Mỹ) trước khi bước vào vòng chung kết diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 4 đến 6-7 tại Mỹ. Chưa kể, trong thông báo tuyển chọn thí sinh cho cuộc thi năm 2019, ban tổ chức cuộc thi ghi rõ: “Tuổi từ 18 đến 29 tuổi, là công dân Việt Nam hay Việt kiều, chưa trải qua phẫu thuật thẩm mỹ hay chuyển đổi giới tính, cao từ 1,65m và ngoại hình cân đối, chưa lập gia đình, chưa có con”. Nhìn vào những điều này, không khó để nhận định, dù Công ty TNHH Võ Việt Chung - đơn vị sở hữu bản quyền tổ chức Hoa hậu Đại dương Việt Nam - đã nhượng quyền tổ chức cuộc thi cho một đối tác ở Mỹ nhưng cơ bản vẫn không có gì thay đổi, một kiểu “bình mới rượu cũ”. Rồi thành phần ban giám khảo cũng sẽ bầu đoàn thê tử từ Việt Nam sang, thí sinh cũng chủ yếu là từ Việt Nam, thậm chí đến ê kíp tổ chức, nhà tài trợ… cũng đều từ Việt Nam. 

Cũng từ đây, không ít câu hỏi được đặt ra: Trên danh nghĩa, Hoa hậu Đại dương Việt Nam từng là cuộc thi cấp quốc gia, vậy đơn vị giữ bản quyền có được quyền chuyển nhượng cho một đối tác bên ngoài lãnh thổ Việt Nam hay không? Và nếu chuyển nhượng có cần xin ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước (ở đây là Cục Nghệ thuật biểu diễn)? Bởi không phải ngẫu nhiên một cuộc thi nhan sắc được cấp phép và mang tầm vóc là cuộc thi cấp quốc gia, nó phải truyền tải những thông điệp, những sứ mệnh và cả những giá trị đặc trưng riêng phù hợp với tâm thức văn hóa và hình tượng xã hội cần tôn vinh. 

Nên chăng, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần ra quyết định thu hồi tên gọi cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam (và cả những cuộc thi tương tự), một khi cuộc thi không được cấp phép tổ chức trong nước, tránh cho những rắc rối cũng như những ngộ nhận có thể phát sinh về sau. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng “lách luật” vốn đang ngày càng biến tướng khá phức tạp trong lĩnh vực thi cử liên quan đến sắc đẹp.

Tin cùng chuyên mục