Kiểm tra, rà soát quy định các sản phẩm du lịch ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng du khách

Ngày 8-8, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết vừa có văn bản số  3528/BVHTTDL-VP gửi Tổng Cục Thể dục thể thao; Tổng cục Du lịch yêu cầu tăng cường, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn chuyên môn đối với môn mô tô nước, dù lượn và diều bay.

Văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) ghi rõ: Hiện nay, cac khu du lịch ven biển trên địa bàn cả nước đang đón lượng du khách lớn. Nhằm đảm bảo an toàn cho khách du lịch đối với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, Bộ VH-TT-DL yêu cầu Tổng cục TDTT chủ trì phối hợp với Tổng cục Du lịch chỉ đạo Sở VH-TT-DL, Sở Du lịch, Sở VH-TT các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định tại Nghị định số 106/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao; Thông tư số 06/2018/TT-BVHTTDL ngày 30-1-2018 của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn dù lượn và môn diều bay; Thông tư số 17/2018/TT-BHVTTDL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên đối với môn mô tô nước trên biển. Văn bản này cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát và báo cáo Bộ VH-TT-DL trước ngày 20-8-2018.

Trước đó, chia sẻ với Báo SGGP về việc một số địa phương cho rằng chưa có thông tư hướng dẫn về việc quản lý sản phẩm du lịch mô tô nước, dù bay..., người phát ngôn Bộ VH-TT-DL Nguyễn Thái Bình dẫn Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31-12-2017 quy định một số điều chi tiết của Luật Du lịch. Cụ thể tại Chương 3, các điều 8, 9, 10 quy định rõ sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch cũng như biện pháp đảm bảo an toàn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân. Đi mô tô nước, lướt ván, ca nô kéo dù bay nằm trong danh mục sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng dến tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch.

Nghị định số 168 quy định rõ biện pháp đảm bảo an toàn khi kinh doanh sản phẩm du lịch này: Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khoẻ và các yếu tố liên quan khi cung cấp các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch; có phương án cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng cứu hộ khách du lịch và can thiệp, xử lý ứng cứu kịp thời các sự cố, tai nạn, rủi ro xảy ra đồng thời duy trì, bảo đảm thông tin liên lạc với khách du lịch trong suốt thời gian cung cấp sản phẩm. Bên cạnh đó, phải bố trí sử dụng huấn luyện viên, kỹ thuật viên, hướng dẫn viên có chuyên mô phù hợp. Cơ sở kinh doanh cũng phải phổ biến quy định đảm bảo an toàn, hướng dẫn thao tác kỹ thuật trước khi cung cấp sản phẩm, giám sát sử dụng trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ theo quy chuẩn. 

Tin cùng chuyên mục