Kiểm tra, giám sát diễn biến thị trường tết

Thị trường tết đang bước vào giai đoạn “nước rút”. Hàng loạt trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng mua sắm… trên địa bàn TPHCM tấp nập đón khách. Không riêng những địa điểm kinh doanh trực tiếp mà các cơ sở kinh doanh trực tuyến cũng rất hút khách. Để giảm thiểu nguy cơ hàng kém chất lượng trà trộn vào hàng thật, gây nhiễu loạn thị trường tiêu dùng, các cơ quan chuyên trách (quản lý thị trường, hải quan…) đã có nhiều cơ chế phối hợp nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Sàng lọc điểm nghi vấn

Vài ngày qua, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) TPHCM phối hợp cùng cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện hàng chục vụ vi phạm sản phẩm nhập khẩu gồm hàng thời trang, mỹ phẩm cao cấp có dấu hiệu giả mạo; hàng chục tấn mứt tết, bánh kẹo, nho đào các loại… Tại thời điểm làm việc với cơ quan chức năng, các đối tượng vi phạm khai nhận mua hàng trôi nổi từ các tỉnh phía Bắc, sau đó “phù phép” sản phẩm bằng tem nhãn mới rồi bán ra thị trường. Điển hình như vụ phát hiện lô hàng dỏm cách đây vài ngày trên đường Võ Văn Kiệt (quận 6) hay hàng chục kiện hàng tại ga Sài Gòn (quận 3)... Trước đó, các cán bộ nghiệp vụ QLTT đã tốn khá nhiều thời gian, công sức mới phát hiện được cơ sở sang chiết, sản xuất hàng ngàn chai mỹ phẩm Thái Lan tại một địa chỉ ở phường Thạnh Lộc, quận 12. 

Theo một cán bộ nghiệp vụ thuộc Cục QLTT TPHCM, các đơn vị trực thuộc thường xuyên sàng lọc các điểm nghi vấn, sau đó lên kế hoạch bất ngờ kiểm tra trực tiếp. Theo ông Nguyễn Văn Bách, Quyền Cục trưởng Cục QLTT TPHCM, việc tăng cường kiểm tra, sàng lọc, phân loại các đối tượng thuộc diện nghi vấn để có hướng xử lý là phù hợp. Công tác này được thực hiện đều đặn, đặc biệt vào cao điểm tết. 

Kiểm tra, giám sát diễn biến thị trường tết ảnh 1 Quản lý thị trường TPHCM niêm phong hàng hóa vi phạm trên địa bàn
Tương tự, đối với lực lượng hải quan TPHCM, tình trạng chốt chặn buôn lậu, gian lận thương mại qua cửa khẩu, cảng… cũng được thực hiện triệt để. Theo ông Đỗ Thanh Quang, Chi cục trưởng Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, đơn vị luôn đề cao cảnh giác, chủ động “gác cửa” chặt chẽ tại khu vực được phân công phụ trách. Do vậy, nhiều vụ vi phạm liên quan đến vận chuyển hàng cấm nhưng “núp bóng” quà biếu, tặng đã nhanh chóng bị phanh phui.

Một số vụ nổi cộm đã phát hiện trong năm 2018 như vận chuyển trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã với hơn 584kg ngà voi, 32 cái sừng tê giác; 306 viên kim cương, 4,5kg vàng, 1.506 món nữ trang kim cương; 12 vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược gồm 166 khẩu súng các loại, 472 băng đạn và 167.550 viên đạn; 7 vụ việc nhập khẩu tài liệu phản động; 31 vụ vận chuyển trái phép ngoại tệ với tổng giá trị khoảng 850.000 USD; đặc biệt là vụ việc phát hiện 11 máy phá sóng điện thoại, là mặt hàng gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia; thu giữ 133kg ma túy các loại, 30.000 viên thuốc gây nghiện, 51.574 viên ma túy tổng hợp, hơn 94kg cần sa…

Nâng cao ý thức người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Văn Bách, đơn vị đang tăng cường kiểm tra, giám sát liên quan đến hoạt động kinh doanh truyền thống, thương mại điện tử, hội chợ các loại trên địa bàn. Đáng chú ý, đối với các địa bàn giáp ranh TPHCM, đã giao nhiệm vụ cho các đội QLTT nắm bắt tình hình, rà soát, siết chặt việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, nhất là những mặt hàng “nóng” (hàng cháy nổ, hàng cấm…) nhằm lành mạnh hóa thị trường.

Nhu cầu mua sắm hàng hóa tiêu dùng vào dịp cận tết đang tăng mạnh, kéo theo tăng nguy cơ trà trộn hàng dỏm như một số vụ bị lực lượng QLTT, hải quan, công an TP phát hiện cách đây ít ngày. Ghi nhanh tại một số điểm kinh doanh hàng tết vào cuối tuần qua trên địa bàn quận 12, quận Gò Vấp cho thấy sức mua đã tăng 1,5 - 2 lần so với ngày bình thường, cá biệt một số nơi có sức mua tăng gấp 2,5 lần. Trước đó, hàng loạt cơ quan chuyên trách bao gồm QLTT, hải quan, công an, bộ đội biên phòng… đã có cơ chế phối hợp trong việc ngăn chặn, giám sát hàng hóa trên thị trường. Thế nhưng, do địa bàn TPHCM khá rộng, tiếp giáp với nhiều tỉnh, thành, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn nên không tránh khỏi khả năng hàng kém chất lượng vẫn “chảy” vào TP “đón tết”. Để giảm thiểu rủi ro cho người tiêu dùng, ở góc độ của cơ quan hải quan, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM, khẳng định hải quan TP sẽ kiểm soát chặt chẽ các lô hàng quá cảnh, trung chuyển, đồng thời lên sẵn phương án đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cao điểm này. 

Các chuyên gia kinh tế tiêu dùng nhận định, một trong những nguyên nhân khiến hàng hóa trôi nổi tung hoành trên thị trường là do người tiêu dùng khá dễ dãi. Họ tiện đâu mua đó, ít khi quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG, nhìn nhận thời buổi công nghệ hiện đại đã khiến việc phát tán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng dễ dàng và đơn giản hơn rất nhiều; đồng thời, lợi nhuận của việc làm hàng giả cũng tăng mạnh bởi sự “khuếch tán” của Internet. Do vậy, theo ông Hồng, không chỉ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cùng bắt tay chống hàng kém chất lượng mà người tiêu dùng cũng cần chủ động nâng cao nhận thức, có ý thức sử dụng hàng hóa đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

Tin cùng chuyên mục