Kiểm toán Nhà nước nhìn nhận về việc mua lại các ngân hàng 0 đồng ​

Đưa ra góc nhìn khác về việc mua lại các ngân hàng 0 đồng, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là chậm và chưa triệt để.  
Oceanbank còn nhiều khoản phải thu, tạm ứng, trong đó 331 tỉ đồng tạm ứng liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm
Oceanbank còn nhiều khoản phải thu, tạm ứng, trong đó 331 tỉ đồng tạm ứng liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm

Theo cơ quan kiểm toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa kịp thời chỉ đạo việc xây dựng, phê duyệt và giám sát triển khai Phương án cơ cấu lại GPbank theo quy định tại Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; chậm phê duyệt Đề án tái cơ cấu GPbank, Oceanbank dẫn đến không thể triển khai các biện pháp nhằm giảm suy giảm tài chính của các ngân hàng được mua 0 đồng; công tác kiểm tra, giám sát đặc biệt của NHNN còn hạn chế.

Tỷ lệ nợ xấu tại 3 ngân hàng thương mại được NHNN mua lại 0 đồng là rất cao: GPbank là 2.800 tỷ đồng, chiếm 59,32% dư nợ; Oceanbank là 14.234 tỷ đồng, chiếm 72,25% dư nợ. Với Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam thì nợ xấu của khách hàng (chưa bao gồm các tổ chức tài chính và tổ chức tín dụng) là 18.073 tỷ đồng, chiếm 95% dư nợ.

Thực trạng tài chính của các ngân hàng 0 đồng cũng chưa được cải thiện, hoạt động kinh doanh tiếp tục thua lỗ lớn. Từ thời điểm mua bắt buộc (7-7-2015) đến hết năm 2016, GPbank lỗ thêm 451 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31.12.2016 là 13.448 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ đồng. Đối với Oceanbank, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro năm 2016 là 1.417 tỷ đồng, gấp 2,07 lần so với năm 2015 (684 tỷ đồng), lỗ lũy kế đến 31.12.2016 là 15.894 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ đồng.

Việc thu hồi nợ xấu của các ngân hàng này được đánh giá là khó khăn; tốc độ thu hồi nợ có xu hướng giảm dần. Một số ngân hàng thương mại cũng chưa xử lý dứt điểm các khoản công nợ tồn đọng từ nhiều năm, do dính đến các nguyên lãnh đạo đã dính vòng lao lý.

Cụ thể, GPbank còn khoản 3.420 tỷ đồng phát sinh trước năm 2012, trong đó 2.982 tỷ đồng liên quan đến nguyên Chủ tịch, phó chủ tịch HĐQT Tạ Bá Long và Đoàn Văn An (Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam); tạm ứng 362 tỷ đồng mua bất động sản nhưng bị tranh chấp pháp lý, chưa hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng…; Oceanbank còn nhiều khoản phải thu, tạm ứng, trong đó 331 tỷ đồng tạm ứng liên quan đến vụ án Hà Văn Thắm đang được các cơ quan tố tụng xét xử; 245 tỷ đồng tạm ứng thực hiện các dự án bất động sản đều đã quá hạn và rủi ro mất vốn...

Trước đó, trả lời kiến nghị của cử tri, tại công văn số 1220/2018/NHNN-VP, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 3 ngân hàng là Xây dựng, Dầu khí Toàn cầu và Đại Dương bị thua lỗ lớn, có nguy cơ đổ vỡ cao và lâm vào tình trạng phá sản. Phương án mua bắt buộc 3 ngân hàng là giải pháp cuối cùng khi không còn giải pháp xử lý khác khả thi hơn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực hiện giải pháp mua bắt buộc và trên thực tế, giải pháp này đã có tác dụng tích cực ngay lập tức đến tâm lý thị trường: người gửi tiền ngừng rút tiền ồ ạt, quay trở lại gửi tiền tại 3 ngân hàng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước không phải hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng này.

Tin cùng chuyên mục