Kiểm soát chặt nguồn nông sản vào TPHCM

Có tới 80% nguồn nông sản, thực phẩm tiêu thụ tại TPHCM là nhập từ các tỉnh. Cho nên việc liên kết với các tỉnh, thành phố khác để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng đã được ngành chức năng kiểm soát chặt chẽ.
Nguồn thực phẩm vào các siêu thị tại TPHCM được kiểm soát chặt để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng
Nguồn thực phẩm vào các siêu thị tại TPHCM được kiểm soát chặt để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng

Chỉ nhập các sản phẩm đạt chuẩn

Theo Sở Công thương TPHCM, hiện tại, lượng nông sản, thực phẩm của TPHCM sản xuất mới chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu, nên có tới 80% vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành phố khác nhằm đảm bảo cung ứng nhu cầu cho người dân trên địa bàn.

Những địa phương có sản lượng nông sản, thực phẩm cung ứng cho thành phố liên tục trong thời gian qua, có thể kể tới như Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An, Lâm Đồng, Bến Tre… 

Do số lượng nhập nhiều nên việc kiểm soát chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các sản phẩm này là mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng và ngành chức năng thành phố. Để đảm bảo những yêu cầu này, từ đầu năm 2019, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Đồng Tháp đã ký kết phối hợp sản xuất kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm giữa TPHCM và tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2019 - 2020.

Mục tiêu hợp tác nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn giữa tỉnh Đồng Tháp và TPHCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, thủy sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.

Phấn đấu trong năm 2019, các mặt hàng nông sản, thủy sản chủ lực của tỉnh Đồng Tháp tiêu thụ tại TPHCM được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.

Trước đó, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cũng đã cùng các đơn vị bán lẻ quy mô lớn trên địa bàn như Saigon Co.op trực tiếp đến các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận… để làm việc với Sở NN-PTNT ở những địa phương này nhằm tìm nguồn hàng hóa chất lượng cung cấp vào các siêu thị của TPHCM.

Theo Sở Công thương TPHCM, sắp tới khi tổ chức chương trình “Chắp cánh hàng Việt”, sở này sẽ tập trung vào nhóm hàng rau, củ, quả, trái cây, thủy sản, hải sản, bởi đây là nhóm hàng có nhu cầu tiêu dùng nhiều, thường xuyên và ổn định.

Vì vậy, các sản phẩm tham gia chương trình phải đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic; truy xuất được nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đóng gói bao bì... Thành phố sẽ cung cấp các thông tin về thị trường, cam kết số lượng thu mua,… làm cơ sở để các đơn vị ở những địa phương an tâm sản xuất và cung ứng sản phẩm.

Tới đây, các hệ thống phân phối hiện đại sẽ chỉ nhận bán những sản phẩm đạt chuẩn.

Nỗ lực cung ứng sản phẩm sạch cho thành phố

Theo ông Lê Văn Khê, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bến Tre, đến nay sản phẩm Bến Tre đã được các đại lý, siêu thị, trung tâm thương mại lớn của Saigon Co.op, Satra, Aeon Mall, Big C, Lotte… ký kết thu mua.

Trong đó, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác cung cầu hàng hóa với 8 doanh nghiệp Bến Tre, như: Công ty cổ phần Mỹ phẩm dừa Phú Long, Công ty cổ phần Anfood, Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long, Công ty TNHH Sản xuất thương mại sản phẩm sạch Thiên Phúc...

Để đáp ứng các tiêu chuẩn cung ứng nông sản cho TPHCM, năm 2019 Bến Tre tiếp tục cùng các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản; tổ chức phiên chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sản, đặc trưng của Bến Tre đến thị trường TPHCM. 

Tương tự, thông tin từ Sở Công thương Đồng Tháp, sở này sẽ thường xuyên là đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cung ứng hàng hóa cho các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ truyền thống.

Quan trọng hơn hết, để tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, ngành công thương sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chất lượng sản phẩm…

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cùng các ngành liên quan sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng hạ chi phí, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường liên kết, đẩy mạnh chế biến; thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để quản lý và truy xuất nguồn gốc. Tiếp tục hỗ trợ kinh phí chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc. 

Có thể nói, các tỉnh thành đang rất quyết tâm thực hiện kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đơn cử như ở Long An, theo Sở Công thương tỉnh này, nhiều cây trồng và giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao đã được người dân, HTX đưa vào sản xuất theo vùng tập trung như thanh long, chanh, rau ăn lá, lúa,... tạo ra khối lượng lớn sản phẩm.

Rất nhiều sản phẩm trong số ấy đã được liên kết tiêu thụ tại các chợ, siêu thị lớn của TPHCM thông qua công tác xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa.

Tính đến nay, Long An đã xây dựng được 12 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, phối hợp với Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM khảo sát, xây dựng và trao 9 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi... Nhờ vậy, sản phẩm nông sản Long An sản xuất luôn đáp ứng các tiêu chí mà người tiêu dùng TPHCM cần.

Theo thống kê của Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, đơn vị này đã cấp 369 giấy chứng nhận vào chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn thành phố cho 230 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tiền Giang, Long An, Lâm Đồng, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận với tổng sản lượng hơn 165.310 tấn/năm cùng 7,88 triệu lít nước mắm/năm.

Trong đó, chuỗi sản phẩm thực vật cấp 53 giấy chứng nhận với tổng sản lượng 65.484 tấn/năm, gồm: rau, củ, quả 52.851 tấn/năm, trái cây 12.573 tấn/năm, trà 60 tấn/năm.

Các đơn vị tham gia chuỗi cũng đã sử dụng logo chuỗi thực phẩm an toàn trên các sản phẩm, đã được kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng kinh doanh sản phẩm an toàn và xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục