Kích thích phát triển kinh tế - xã hội bằng hạ tầng

Phát biểu trong một cuộc họp mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, việc phát triển hạ tầng giao thông nằm trong 7 chương trình đột phá của TP giai đoạn 2016-2020. Trong đó, ưu tiên lớn nhất năm 2018 là xây dựng các tuyến đường cửa ngõ vào TP, các tuyến đường xuyên tâm, nhất là khu Cát Lái và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Với mục tiêu kích thích phát triển kinh tế - xã hội bằng hạ tầng, theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, từ nay đến cuối năm 2018, nhiều công trình giao thông sẽ hoàn tất, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM. Trong đó, nổi bật là dự án xây dựng các gói thầu thuộc nút giao thông Mỹ Thủy, như cầu Kỳ Hà 3, cầu vượt trên đường Vành đai 2 và hầm chui rẽ trái Vành đai 2 đi cảng Cát Lái, với tổng mức đầu tư gần 840 tỷ đồng.
Đây là dự án cấp bách, sau khi hoàn thành sẽ góp phần giúp khu vực cảng Cát Lái - nơi có 18.000 lượt xe tải, xe container ra vào mỗi ngày - và các tuyến đường lân cận như Vành đai 2, Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ… giảm kẹt xe, tạo điều kiện cho hàng hóa lưu thông.
Ngoài ra, TPHCM sẽ triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường như Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tất Thành, Đào Trí.
Tại khu vực phía Nam của TP, hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường nối từ nút giao thông cầu Bà Chiêm đến Khu công nghiệp Hiệp Phước, tổng mức đầu tư gần 412 tỷ đồng. Dự án này đóng góp vai trò quan trọng, tạo điều kiện kết nối hệ thống cảng nội địa của TP với cảng nước sâu Soài Rạp, thông qua các trục đường Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ... 

Tin cùng chuyên mục