Khủng hoảng người di cư: Chưa thấy lối ra

Chính phủ Italia ngày 24-12 cho biết 10.000 người tị nạn hiện bị mắc kẹt tại các lán trại và trung tâm tị nạn ở Libya có thể sẽ được chuyển tới châu Âu vào năm 2018. Đây là một phần trong nỗ lực của các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm giải quyết điều kiện tồi tệ tại các trại tị nạn ở Libya, nơi hàng ngàn người bị giam giữ như những nô lệ.
Người tị nạn được chuyển tới châu Âu thông qua các hành lang nhân đạo
Người tị nạn được chuyển tới châu Âu thông qua các hành lang nhân đạo

Giải pháp tình thế

Phỏng vấn tờ La Repubblica, Bộ trưởng Nội vụ Italia Marco Minniti cho biết vào năm 2018 sẽ có 10.000 người tị nạn có thể tới châu Âu thông qua các hành lang nhân đạo. Trước đó, 160 người di cư từ Libya đã tới thủ đô Rome của Italia bằng máy bay quân sự. Họ chủ yếu đến từ các quốc gia châu Phi như Eritrea, Ethiopia, Somalia và Yemen, gồm các bà mẹ đơn thân, trẻ em không người bảo trợ và người tàn tật. Đây là lần đầu tiên, người di cư và tị nạn được Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn (UNHCR) chuyển thẳng tới một nước ở châu Âu. 

Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) cũng thông báo có khoảng 400.000 người tị nạn ở Libya, trong đó có 36.000 trẻ em. IOM đặt mục tiêu hồi hương 30.000 người di cư trong năm 2018 theo chương trình hồi hương tự nguyện. Trong năm nay, khoảng 15.000 người đã được hồi hương. Libya từ lâu đã là một điểm trung chuyển chủ yếu của hầu hết người di cư trên đường tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở châu Âu. Tuy nhiên, kể từ khi Libya rơi vào tình trạng bất ổn năm 2011, lợi dụng những yếu kém về quản lý, các nhóm buôn người đã nhanh chóng hoành hành, khiến công tác quản lý dòng người di cư càng thêm khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây, sau khi truyền thông quốc tế đưa tin về thực trạng người di cư bị đưa ra đấu giá tại các “phiên chợ nô lệ” đã tạo ra một làn sóng sức ép lên giới chức Libya về vấn đề quản lý. Liên hiệp quốc đã kêu gọi các quốc gia tiếp nhận khẩn cấp khoảng 1.300 người di cư trong hoàn cảnh “cực kỳ tồi tệ” đang mắc kẹt tại Libya.

Cần giải quyết rốt ráo

Các nhà lãnh đạo EU hiện vẫn chưa thu hẹp được bất đồng về cách giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Đây vốn là vấn đề gây chia rẽ giữa các nước thành viên EU khi các nước Đông Âu vẫn kiên quyết phản đối hạn ngạch người di cư, được đa số các nước thành viên thông qua từ năm 2015 nhằm giảm gánh nặng cho Hy Lạp và Italia. Kể từ đó, EU vẫn bế tắc trong các kế hoạch về một cơ chế lâu dài nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Các nước Đông Âu đưa ra lý do lo ngại về nguy cơ khủng bố, đồng thời cho rằng mức hạn ngạch là một phần nỗ lực của EU nhằm hạn chế chủ quyền của các nước này. Hồi đầu tháng này, EU đã kiện CH Czech, Hungary và Ba Lan lên Tòa án tối cao của khối liên quan tới việc 3 nước này từ chối tiếp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn. Estonia, nước chủ tịch luân phiên EU hiện tại, đề xuất áp dụng cơ chế phân bổ hạn ngạch bắt buộc vào thời điểm dòng người di cư gia tăng đột biến, song linh hoạt hơn bằng cách cho phép nước gửi và nhận người di cư được thỏa thuận với nhau về địa điểm phân bổ. Tuy nhiên, sáng kiến này đã ngay lập tức bị nhiều thành viên EU bác bỏ. Ủy ban châu Âu đề nghị áp dụng cơ chế phân bổ bắt buộc vào thời điểm di cư ồ ạt song dựa vào quy chế hỗ trợ tự nguyện trong những trường hợp ít khẩn cấp hơn. Trong khi đó, Nghị viện châu Âu muốn tiến hành phân bổ bắt buộc trong mọi trường hợp, không phụ thuộc vào áp lực của dòng người di cư.

Tin cùng chuyên mục