Khu vui chơi tự phát thiếu an toàn

Ở một số quận, huyện vùng ven TPHCM, muốn cho con tới khu vui chơi đàng hoàng thì phải vào trung tâm thương mại hoặc đi 6km - 7km mới tới nhà văn hóa, vừa tốn kém lại vừa xa. Vì vậy, không ít phụ huynh là công nhân lao động đưa con tới các khu vui chơi tự phát được mở tạm bợ trên các bãi đất trống với mức phí từ 5.000 đến 15.000 đồng/lượt chơi.
Thiết bị tạm bợ, cũ kỹ 
Trong khu dân cư Đông Tăng Long (quận 9) có một khu vui chơi ngoài trời mới mở dành cho trẻ em, với các thiết bị trò chơi như đu quay, nhà hơi, mâm xoay điện, ô tô điện, xe điện đụng… nhưng chủ yếu là đồ cũ.
Khuôn viên khu vui chơi này khá nguy hiểm bởi được dựng trên khoảng đất trống tiếp giáp với kênh rạch, bên hông là đống phế liệu gạch, cát, tôn cũ, cửa sắt cũ, kính vỡ… của một công trình xây dựng gần đó bỏ ra.
Nhắc con bám chắc vào tay vịn, rồi chị Trần Thị Yến Lài (ngụ phường Long Trường, quận 9) quay qua nói: “Tụi nhỏ mê trò đu quay lắm, nhưng không ổn vì ngồi thiếu dây an toàn, khi đu quay hoạt động, vòng quay đưa tụi nhỏ ra tận mép kênh và lơ lửng giữa đống xà bần, thấy nguy hiểm quá”.
Nền của khu trò chơi xe điện đụng, ô tô điện được láng xi măng sạch sẽ, nhưng xung quanh chỉ được bao bọc bởi một hàng sắt cao khoảng 10cm, không có lớp cao su bảo vệ. Nhiều trẻ chơi xe điện đụng va chạm với hàng sắt khiến ngực đập mạnh vào vô lăng, khóc thét. Ngoài ra, đường dây điện được câu nối luộm thuộm ở dưới nền, trong khi những đứa trẻ thả sức nô đùa trên dây điện. 
Khu vui chơi tự phát thiếu an toàn ảnh 1 Các thiết bị vui chơi dành cho trẻ em tại Công viên Dạ Nam đã hư hỏng
Khu vui chơi trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2) hình thành từ khoảng 7 năm nay với các thiết bị vui chơi đều đã rất cũ. Mới đây, khu vui chơi này được tráng nền xi măng và làm mái che khang trang, các máy trò chơi được sơn lại, nhưng vì là đồ cũ nên vẫn khiến phụ huynh thót tim. Thí dụ như tàu lửa đang chạy bình thường bỗng dưng tăng tốc bất ngờ, làm trẻ hoảng loạn và phải mất vài phút mới thắng lại được. 
Tương tự, khu vui chơi trên bãi đất trống đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9) với bốn bề là cỏ và xà bần; hay khu vui chơi trên đường Huỳnh Thị Phụng (quận 8), đường Ngô Tất Tố (quận Bình Thạnh) cũng thiếu an toàn bởi thiết bị quá cũ kỹ, gỉ sét.
Còn khu vui chơi tại Công viên Dạ Nam (quận 8), dù mới được đầu tư khá bài bản với các thiết bị cầu tuột, xích đu, leo núi, leo thang dây, vòng xoay… trên nền cát mịn nhưng nay cũng đã hư hỏng gần hết. Một số thiết bị bằng nhựa đã bị vỡ, gãy, còn các thiết bị bằng sắt thì xộc xệch.
Chị Tâm, một người bán nước gần Công viên Dạ Nam, cho biết: “Trẻ em khu này không chơi ở đây thì chỉ ngồi trong nhà xem ti vi hoặc lang thang ngoài vỉa hè, lòng hẻm. Bởi vậy, dù thiết bị hư hỏng gần hết nhưng tụi nhỏ hiếu động vẫn rủ nhau vào chơi. Thi thoảng mấy bác xe ôm đậu gần đó phải nhắc nhở chúng chơi cẩn thận để tránh bị thương”.
Cung cấp thiết bị cũ
Quan sát tại khu vui chơi trên đường Nguyễn Duy Trinh, chúng tôi thấy 3 con thú nhún đều bị nghiêng nhưng những đứa trẻ tầm 3 - 4 tuổi cũng lên ngồi chơi, còn phụ huynh phải đứng bên cạnh giữ để con được thăng bằng.
Thấy chúng tôi thắc mắc vì để thiết bị nghiêng dễ làm trẻ bị té khi vui chơi, chủ của khu vui chơi này lấy chiếc búa vừa đập nhích từ phía dưới lên vừa trấn an: “Bị vậy cả năm nay mà có bé nào té, tôi kiểm tra hết rồi, an toàn, chỉ cần phụ huynh chịu khó giữ con một chút là ổn”.
Nghe hỏi về việc kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị vui chơi định kỳ, người này khẳng định: “Tôi kiểm tra thường xuyên đấy chứ, hỏng chỗ nào thì mày mò sửa chỗ đó, còn lại cứ tra dầu vào cho máy móc chạy trơn tru là xong. Chỗ nào bong sơn thì sơn lại. Cho con nít chơi mỗi tối kiếm chừng hai trăm ba trăm ngàn đồng, cả chi phí mặt bằng, điện, hao mòn, mất mát đồ chơi các kiểu, mà hỏng tí lại gọi thợ thì ăn gì”. 
Tại khu vui chơi trên đường Đỗ Xuân Hợp, một người phụ nữ tên Hồng cho biết mình vừa là chủ vừa là quản lý, còn việc sửa chữa thì giao cho chồng và con trai, ai rảnh thì làm.
Bà Hồng khoe: “Mặc dù cha con nó đâu biết gì về máy móc nhưng mấy năm nay vẫn sửa chữa ngon lành. Kể ra mấy thứ này cũng đơn giản, thấy kẹt chỗ nào thì lôi ra tra dầu, hay ốc nào rơi ra thì vặn lại. Phụ huynh họ ngại dây điện loằng ngoằng, mình tém tém lại là ổn”.
Chúng tôi thắc mắc nếu không kiểm tra kỹ lưỡng, khi thiết bị hư hỏng đột ngột sẽ gây tai nạn cho trẻ, người này quả quyết: “Không sao đâu, đồ đạc nhìn cũ vậy chứ chắc chắn lắm, tôi chỉ bán vé còn cha mẹ phải trông chừng con chứ”. Về việc các cơ quan chức năng kiểm tra, bà Hồng thành thật: “Cái khu vui chơi nhỏ xíu, mỗi tối nhiều thì được chục đứa, ít thì vài ba đứa ghé chơi, ai kiểm tra làm gì cho mệt”.
Được biết, hiện nay trên mạng có nhiều dịch vụ cung cấp thiết bị trò chơi trẻ em. Trong vai người tìm mối thiết bị để mở khu vui chơi trẻ em, chúng tôi đăng tin lên mạng và lập tức có nhiều nhân viên của các dịch vụ nói trên liên hệ tư vấn.
Theo đó, hầu hết các khu vui chơi ngoài trời của tư nhân đều sử dụng thiết bị đã qua sử dụng, được tân trang lại như mới, giá thành chỉ bằng 40% - 60% giá thiết bị mới, nên nhanh thu hồi vốn.
Với những thiết bị này, người có nhu cầu mở khu vui chơi dành cho trẻ em chỉ cần thông tin về diện tích khu đất và danh sách các trò chơi thì lập tức có nhân viên đem thiết bị tới tận nơi lắp ráp. Mọi thông tin kiểm định về chất lượng, độ an toàn đều được nhân viên đảm bảo bằng… miệng. 
Theo quy định, các máy trò chơi dành cho trẻ em có vận tốc chuyển động hơn 3m/giây, đưa người lên cao từ 2m trở lên với tốc độ di chuyển của người từ 3m/giây, bắt buộc phải kiểm định an toàn trước khi đưa vào hoạt động kinh doanh. Riêng những loại máy trò chơi sử dụng điện, chủ cơ sở phải kiểm định an toàn về điện trước khi đưa vào hoạt động.
Bên cạnh đó, các thiết bị này phải kiểm định định kỳ 1 hoặc 2 năm/lần (với thiết bị đã sử dụng hơn 6 năm trở lên) với gần 30 mục chiếu theo cơ chế, đặc tính riêng của từng thiết bị. Cần kiểm tra việc thực hiện quy định này để đảm bảo an toàn.

Tin cùng chuyên mục