Không thể đưa chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân lên bờ

Các chuyên gia cho rằng, trong khi cả thế giới đều chấp thuận việc nhận chìm ngoài khơi các chất thu được trong quá trình nạo vét xây dựng cảng biển, thì ý kiến đề cập việc đưa chất nạo vét ở Vĩnh Tân lên bờ “chỉ là ý kiến hoàn toàn “cảm tính”, không có cơ sở khoa học”.

PGS-TS Vũ Thanh Ca, Thành viên Nhóm chuyên gia môi trường biển của Liên Hợp quốc cùng các chuyên gia, nhà khoa học trong Hội đồng Phản biện Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tổng hợp phản biện khoa học về việc nhận chìm chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân.

Qua phân tích nhiều khía cạnh của việc nhận chìm, điều kiện thời gian nhận chìm như quy định trong giấy phép của Bộ TN-MT… văn bản trên khẳng định, việc nhận chìm chất nạo vét ở Vĩnh Tân nếu được kiểm soát tốt sẽ không gây hại cho Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bãi cạn Breda và các khu vực lấy nước nuôi tôm giống ven bờ.

Đặc biệt, liên quan đến ý tưởng đưa chất nạo vét từ biển lên bờ, nhóm nhà khoa học này cho là “không khả thi về mặt kinh tế và không có nhu cầu”.
Theo đó, trong khi cả thế giới đều chấp thuận việc nhận chìm ngoài khơi các chất thu được trong quá trình nạo vét xây dựng cảng biển, thì ý kiến đề cập việc đưa chất nạo vét ở Vĩnh Tân lên bờ “chỉ là ý kiến hoàn toàn “cảm tính”, không có cơ sở khoa học”.
Không thể đưa chất nạo vét ở cảng biển Vĩnh Tân lên bờ ảnh 1 Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận) có thể sẽ bị tác động nếu việc nhận chìm gần 1 triệu m³ chất thải được tiến hành
“Trên bờ” và “ngoài khơi” là hai môi trường đổ thải/nhận chìm hoàn toàn khác nhau. Nếu chất nạo vét được đổ lên bờ, về nguyên tắc, bãi thải trên bờ cần được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn của một “bãi thải” để vừa không được ảnh hưởng tới hệ sinh thái trên bờ, vừa không được ảnh hưởng tới sinh thái dưới biển. Như vậy, ở Vĩnh Tân đòi hỏi phải xây dựng kè bao cũng như bảo vệ, chống thấm rất tốn kém và ảnh hưởng tới môi trường, xã hội rất lớn.

Ngoài ra, việc thiết lập bãi thải trên bờ ở Vĩnh Tân sẽ đòi hỏi chi phí đổ thải lớn hơn so với trường hợp đổ thải từ trên bờ xuống (ví dụ như ở mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh), vì còn phát sinh chi phí cho công đoạn dỡ tải từ sà lan mở đáy đưa chất nạo vét từ biển lên bờ.

Ngoài ra, tại khu vực Bình Thuận, ở trên bờ có rất nhiều cát sạch có thể sử dụng cho mục đích san lấp tạo mặt bằng với chi phí thấp hơn nhiều (chỉ bằng 10%) so với việc hút bùn cát từ đáy biển lên.

Về mặt kỹ thuật, việc nạo vét đáy biển được thực hiện chủ yếu bằng tàu hút bùn, kết hợp với sà lan mở đáy. Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam hiện nay, việc bơm các vật liệu nạo vét ngược từ dưới biển lên bờ để san lấp tạo mặt bằng chỉ có thể thực hiện được trong phạm vi bán kính 1-2km. Khảo sát thực tế thì tại khu vực huyện Tuy Phong, nơi có nhu cầu nạo vét đáy biển, hiện không có nhu cầu san lấp ở trên bờ.

Phương án xây kè đổ thải chất nạo vét để lấn biển không khả thi về kỹ thuật và kinh tế và môi trường, sinh thái.
Các khu vực bờ biển hiện nay đang ở vị trí cân bằng và các yếu tố động lực (như sóng và dòng chảy biển) và vận chuyển bùn cát đang ở trạng thái duy trì cân bằng đó.

Đối với các khu vực bờ biển đang bị xói lở, để bảo vệ bờ biển, chống xói lở người ta phải xác định cán cân bùn cát để có giải pháp can thiệp, bù thêm bùn cát nếu như bị thiếu hụt. Làm kè đổ cát lấn biển tại một khu vực như đề xuất của Bình Thuận sẽ làm thay đổi trường sóng, dòng chảy, ngăn chặn dòng vận chuyển cát và do vậy phá vỡ cân bằng hiện có.

Hơn nữa, kè lấn biển còn phá vỡ khả năng tự bảo vệ tự nhiên của bờ biển. Các nghiên cứu cho thấy bãi cát tự nhiên như ở Bình Thuận có khả năng tiêu tán đến 90% năng lượng sóng, trong khi kè lấn biển chỉ tiêu tán được 10% đến 30% năng lượng sóng.

Do vậy, công trình ven bờ biển thông thường (như kè) chỉ có thể bền vững nếu có bãi cát phía trước. Vì khu vực lấn biển không có bãi cát, sóng sẽ đánh trực tiếp vào kè và làm sập kè. Bên cạnh đó, do phá vỡ cán cân cát, công trình lấn biển sẽ gây xói lở ở các khu vực bờ biển cạnh đó.

Kinh nghiệm xói lở tại Hội An cho thấy rằng, kè do các resort xây dựng không thể ngăn nổi sóng và một số resort bị xói lở, phá hoại tới mức bị bỏ hoang; hoặc thực trạng sụt lở, xói mòn tại một số bãi biển ở phía Nam cũng chứng tỏ điều đó.

“Lấn biển là phá hoại vĩnh viễn một vùng biển khác với nhận chìm. Nếu là đáy cát, tại khu vực nhận chìm hệ sinh thái sẽ phục hồi khá nhanh sau khi việc nhận chìm hoàn thành”, báo cáo lập luận.
Nhật Bản, Singapore có lấn biển nhưng họ thuận theo tự nhiên, dùng công trình để thay đổi trường sóng và đổ cát để nuôi bãi, tạo bãi để lấn biển. Lấn biển theo cách này vừa có bãi, vừa bảo vệ bờ, nhưng phải chấp nhận chi phí vô cùng tốn kém.

Tin cùng chuyên mục