Không thể cứ mãi “đào tạo chay”

Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp là yêu cầu cấp bách đặt ra với đào tạo đại học ở Việt Nam, vì nếu không theo định hướng này thì không thể giải bài toán sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều như hiện nay. Thế nhưng, để “lôi” doanh nghiệp vào cuộc thì với cơ chế hiện nay, không mấy ai mặn mà…
Không thể cứ mãi “đào tạo chay”

Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp là yêu cầu cấp bách đặt ra với đào tạo đại học ở Việt Nam, vì nếu không theo định hướng này thì không thể giải bài toán sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều như hiện nay. Thế nhưng, để “lôi” doanh nghiệp vào cuộc thì với cơ chế hiện nay, không mấy ai mặn mà…

Sinh viên khoa Cơ khí Trường ĐH Giao thông vận tải trong giờ thực tập về hệ thống điện ô tô. Ảnh: MAI HẢI

Doanh nghiệp “khát” sinh viên có kỹ năng

Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý chủ trương cho phép Trường Cao đẳng nghề LILAMA 2 tổ chức đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng theo chương trình đào tạo căn cứ tiêu chuẩn Level 6 (665) khung 8 bậc của UNESCO - ISCED 2011. Theo đó, trường sẽ thực hiện việc cấp bằng tốt nghiệp và công nhận danh hiệu kỹ sư thực hành sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đây là một thí điểm mới trong đào tạo nghề nghiệp ở Việt Nam nhưng phải là con đường tất yếu, bao gồm cả đào tạo đại học: đào tạo theo định hướng nghề nghiệp. Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (GDĐH), Bộ GD-ĐT thừa nhận, chất lượng GDĐH của Việt Nam còn thấp khi mà kỹ năng, kiến thức thực hành của sinh viên xa rời thực tiễn. Hiện hệ thống GDĐH ở Việt Nam đang đào tạo 2,1 triệu sinh viên. Nhu cầu tuyển dụng nhân lực của các doanh nghiệp là rất lớn. Nhưng tại sao tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp vẫn rất cao? Nguyên nhân chính một phần là do chưa gắn kết đào tạo ở nhà trường và các cơ sở sản xuất cũng như đáp ứng được đòi hỏi về các kỹ năng của thị trường lao động.

Chủ tịch Hội Hóa chất Hà Nội mới đây phàn nàn trong một diễn đàn về GDĐH của Bộ GD-ĐT: Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tiền để săn đầu người, nên phải tuyển dụng sinh viên ra trường cho rẻ. Nhưng các em quá xa rời thực tế, học những cái quá cũ, do giáo trình đào tạo ở trường không được cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, gần như 100% sinh viên không nắm thông tin thực tế, cơ bản không am hiểu gì về thông tin của ngành nghề mà mình học. Về phía doanh nghiệp, một trong tiêu chí tuyển dụng người là kỹ năng thực hành xã hội của sinh viên, nhưng đại đa số các em bỡ ngỡ về điều này. Vì vậy, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian, tiền bạc để đào tạo lại, đơn cử như mất ít nhất 3 tháng đào tạo lại chỉ để làm công việc đơn giản nhất là thị trường. Nếu sinh viên có cơ hội cọ xát với thực tế ở doanh nghiệp thì các em rất tự tin mà doanh nghiệp thì không cần phải đào tạo lại. Thực tế cho thấy, cùng một lớp sinh viên tốt nghiệp ngành tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội, nếu sinh viên nào có tiếng Anh tốt thì cơ hội vào làm việc ở các tập đoàn nước ngoài như Samsung, Panasonic hay hàng loạt các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc... hiện nay là rất rộng mở. Nhưng nếu không có tiếng Anh, sinh viên chật vật mãi vẫn không tìm nổi một công việc đúng ngành nghề ở các doanh nghiệp trong nước.

Nghị quyết 14/2005 của Chính phủ về đổi mới cơ bản, toàn diện GDĐH Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 đã đề ra mục tiêu, khoảng 70% - 80% tổng số sinh viên theo học các chương trình nghề nghiệp ứng dụng. Bộ GD-ĐT cũng coi phát triển GDĐH định hướng nghề nghiệp ứng dụng là một trong những định hướng đổi mới quan trọng của GDĐH Việt Nam. Một dự án phát triển GDĐH theo định hướng nghề nghiệp cũng đã được triển khai ngay từ năm 2005 và đến nay đã thí điểm thành công 10 chương trình đào tạo ở 8 trường đại học. Đã có gần 2.200 sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo theo định hướng nghề nghiệp và được thị trường đón nhận. Ưu điểm của chương trình này là có sự gắn kết giữa trường đại học và đơn vị sử dụng lao động trong quá trình đào tạo sinh viên; qua đó tính năng động của sinh viên được thể hiện rõ; chất lượng giảng viên cũng được nâng lên. Nhờ vậy, giảm bớt những rào cản của sinh viên trong việc tuyển dụng. Hiện nay, trên 60% sinh viên Việt Nam ra trường kém về kỹ năng, doanh nghiệp không hài lòng, họ phải đào tạo lại mới sử dụng được. Trong khi đó, với dự án đào tạo theo định hướng nghề nghiệp, sau 6 tháng ra trường thì 85% sinh viên tìm được việc làm. Hơn 500 cơ quan, doanh nghiệp tham gia hợp tác chương trình đào tạo này, cho thấy bản thân các cơ quan, doanh nghiệp “khát” sinh viên có kỹ năng thực hành đến thế nào.

Cần quỹ hỗ trợ đào tạo ở doanh nghiệp?

Đào tạo đại học theo định hướng nghề nghiệp rõ ràng không có gì phải bàn cãi thêm. Vấn đề là cơ chế, chính sách ra sao để thúc đẩy con đường đào tạo này, đặc biệt là trách nhiệm của doanh nghiệp trong viêc tham gia đào tạo sinh viên. Trong khi về phía các trường đại học, dù muốn nhưng không phải cứ thế là làm được. PGS-TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phàn nàn, trường chỉ có thể nhờ “nhờ” doanh nghiệp hợp tác đào tạo 1 - 2 lần mà không thể nhờ mãi được. Lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên cũng cho biết, không có cơ sở pháp lý để gắn kết giữa trường với sở GD-ĐT, các trường phổ thông trong đào tạo. Hoàn toàn là bằng quan hệ cá nhân khi mà những cựu sinh viên quay lại giúp trường. Trường đã từng đề nghị có cơ chế, có văn bản pháp quy để các sở GD-ĐT, trường phổ thông có trách nhiệm phối hợp với các trường sư phạm trong đào tạo giáo viên, nhất là việc tạo điều kiện cho sinh viên về thực tập nhưng đến nay vẫn chưa có. Có thể thấy, khi ngành giáo dục đang triển khai đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông, đòi hỏi lực lượng giáo viên phải được đào tạo và đào tạo lại để vận hành đề án. Nếu các trường học, các sở GD-ĐT không có trách nhiệm phối hợp với các trường trong đào tạo giáo viên thì các trường chỉ có nước “đào tạo chay”.

Thực tế, tuy khát nhân lực có tay nghề, kỹ năng, không muốn mất công đào tạo lại sinh viên tốt nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thích kết hợp với trường đại học trong đào tạo, đơn giản nhất là việc tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập. Đó là lý do mà một số trường đại học đã đề nghị Chính phủ thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo ở các doanh nghiệp, quỹ này dùng để hỗ trợ khi sinh viên đến thực tập ở doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào không sử dụng hết thì hoàn lại cho nhà nước. Các trường cho rằng, phải có quỹ như vậy thì doanh nghiệp mới chủ động trong tiếp đón sinh viên đến thực tập.

Rõ ràng, để phát triển đào tạo theo định hướng nghề nghiệp còn nhiều việc phải làm, nhiều cơ chế, chính sách phải hoàn thiện thì mới đưa các trường đại học, các doanh nghiệp vào cuộc. Nếu không sẽ chỉ dừng ở chủ trương và việc đào tạo đại học ở Việt Nam vẫn cứ mãi là “đào tạo chay”.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục