Không thể chủ quan với lạm phát

Trong chu kỳ điều hành giá xăng dầu tuần qua, liên bộ Công thương - Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp đầu mối được điều chỉnh giá xăng, dầu sau khi bình quân giá xăng, dầu thành phẩm thế giới đã tăng 4,04% - 8,42% USD/thùng, tấn. Mức tăng giá xăng, dầu trong nước lần này là khá mạnh: 403 - 752 đồng/lít, kg tùy loại. Đây là các mức tăng giá mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay. Để kiềm chế giá bán lẻ trong nước tăng sốc, liên bộ cho doanh nghiệp tiếp tục xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời ngừng trích lập quỹ với xăng, dầu từ 300 đồng về 0 đồng/lít, kg.

Giá xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, do đó, mỗi khi các mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả hàng hóa. Và điều đáng lo ngại là nhiều dự báo cho thấy, giá xăng, dầu thế giới sẽ tiếp tục diễn biến theo chiều hướng tăng từ nay đến cuối năm. Căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau khi Mỹ áp dụng lệnh cấm vận quy mô lớn đối với ngành dầu mỏ Iran sẽ khiến nguồn cung sụt giảm, có thể khiến giá dầu tăng vọt. Nhà phân tích dầu lửa Stephen Brennock thuộc PVM Oil Associates nhận định, không ai muốn đầu cơ giá xuống vào lúc này, vì họ thừa hiểu rằng nguồn dầu xuất khẩu từ Iran sẽ ngày càng giảm xuống. Nguồn cung từ Saudi Arabia không thể ngăn chặn được một cú sốc nguồn cung, và kết quả là sự tăng đột biến của giá dầu trong quý cuối năm.

Nhiều chuyên gia cũng dự báo, kiểm soát lạm phát dưới 4% là thách thức và không đơn giản để giữ được mức tăng dưới 4% vì hiện nay trên thế giới giá dầu thô bấp bênh, có thể tăng lên bất kỳ lúc nào. Còn theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trên thế giới biến động rất khó lường, đặc biệt trong 9 tháng đầu năm giá xăng, dầu tăng mạnh. Trong 9 tháng vừa qua mặt hàng xăng đã có 8 lượt tăng và 3 lượt giảm giá, dầu hỏa có 10 đợt tăng và 4 đợt giảm, tổng chung lại việc giá xăng dầu tăng, giảm trong thời gian qua đã tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,69%. Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI tăng bình quân 3,57%.

Theo báo cáo của tổ giúp việc Ban chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ tại cuộc họp vừa qua, trong các tháng gần đây, mặt bằng giá thị trường trong nước chịu áp lực lớn từ biến động tăng cao của giá xăng dầu thế giới; giá thịt heo hồi phục và hiện đang ở mức cao; giá LPG tăng theo diễn biến giá thế giới; giá vật liệu xây dựng tăng trong các tháng gần đây; giá điện nước lũy tiến tăng vào mùa nắng nóng, giá một số dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng trong các tháng cao điểm du lịch... Các bộ, ngành đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát tốc độ tăng CPI, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao, khoảng 3,95%.

Nhận định việc điều hành chỉ số giá các tháng còn lại của năm có yếu tố thuận lợi là đi đúng hướng kịch bản đã xây dựng nhưng tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá vừa qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu các bộ, ngành theo dõi, cập nhật diễn biến giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu đang ở mức cao, tình hình thời tiết đang có diễn biến phức tạp… để tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát cao. Mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% - 3,95%. Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương, Bộ Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, nhất là vào mùa rét, sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ.

Trong một dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam gần đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhìn nhận, áp lực lạm phát có thể sẽ tiếp tục duy trì trong ngắn hạn do giá dầu quốc tế tăng và giá lương thực tăng. Do đó, tổ chức này đã nâng mức dự báo lạm phát cả năm nay của Việt Nam từ khoảng 3,7% lên 4%. Dự báo về tình hình lạm phát năm 2018, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, ẩn số được cho là sẽ ảnh hưởng tới lạm phát cuối năm là giá dầu và giá thịt heo. Nếu các mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh và lạm phát tổng thể tăng trung bình 0,37%/tháng - tương đương mức tăng trong 6 tháng đầu năm - thì lạm phát trung bình cả năm 2018 sẽ ở mức 3,8% - 3,9%. Kịch bản này cho thấy, mục tiêu lạm phát vẫn có thể đạt được nếu giá dầu tăng lên đến 80 - 90 USD/thùng và giá heo hơi lên mức 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, mục tiêu kiềm chế lạm phát tăng dưới 4% cho năm nay có thể đạt được, song không thể chủ quan trước diễn biến giá cả thị trường, đặc biệt khi nhiều hàng hóa thiết yếu của nước ta phụ thuộc vào sự “trồi sụt” của thị trường thế giới. Do đó, hàng loạt biện pháp phải đi cùng với nhau như phải có giải pháp cụ thể trong điều hành với những mặt hàng có ảnh hưởng lớn đến “rổ” hàng hóa khi tính toán CPI, đó là: hàng nông sản, xăng dầu, điện, thuốc và vật tư y tế, dịch vụ giáo dục, vật liệu xây dựng và bất động sản, thị trường quyền sử dụng đất... Cùng với đó là tiếp tục cải cách hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Bởi đây chính là giải pháp căn cơ, bền vững nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. 

Tin cùng chuyên mục