Không phải kế dài lâu

Nhiều nhà máy Trung Quốc đang mất đơn hàng xuất khẩu và phải sa thải công nhân, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. 
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Ảnh: WSJ
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng sức ép đối với nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Ảnh: WSJ

Trang CNN Money dẫn kết quả một cuộc khảo sát do công ty truyền thông Tài Tân của Trung Quốc phối hợp với công ty nghiên cứu thị trường Markit thực hiện, cho biết tăng trưởng sản lượng trong ngành sản xuất và chế tạo có quy mô khổng lồ của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đưa ra trong kết quả khảo sát công bố mới đây cũng giảm còn 50,6% trong tháng 8. Dù điểm số trên 50 vẫn cho thấy sự tăng trưởng, nhưng mức tăng đạt được trong tháng 8 là chậm nhất trong 14 tháng.

Theo dữ liệu được công bố, số đơn hàng xuất khẩu mà các nhà máy Trung Quốc nhận được trong tháng 8 đã giảm tháng thứ 5 liên tiếp. Cuộc khảo sát của Tài Tân - Markit tháng 8 nói rằng, chiến tranh thương mại đang đè nặng lên tâm lý của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất Trung Quốc. Nhiều nhà máy được khảo sát cho biết đã phải cắt giảm số lượng việc làm. Ngoài chiến tranh thương mại, Trung Quốc còn đang đối mặt với hàng loạt thách thức kinh tế khác. Theo các nhà phân tích, ngành sản xuất của nước này còn đang đứng trước tình trạng giảm tốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và suy giảm tăng trưởng tín dụng. Thị trường chứng khoán và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc gần đây sụt giảm liên tục do giới đầu tư lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế nước này.

Trước tình hình này, những nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm cách né tránh thuế bằng cách vẽ lại đường di chuyển của hàng hóa. Theo Dane Chamorro, chuyên gia đến từ hãng tư vấn rủi ro Control Risks, Singapore, trong ngắn hạn, môi trường bấp bênh như hiện nay thường dẫn đến hành vi né tránh, thậm chí là gian lận để các nhà sản xuất có thể tránh được thiệt hại vì các sản phẩm bị áp thuế có mức lợi nhuận rất thấp, đến nỗi mức thuế 10% sẽ thổi bay lợi nhuận. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng cần phải có thời gian để điều chỉnh chứ không thể thay đổi chỉ trong 1 đêm. Ví dụ, Trung Quốc là nhà sản xuất mật ong lớn nhất thế giới nhưng từ năm 2001, các công ty Trung Quốc đã phải chịu thuế bán phá giá của Mỹ. Kể từ đó đến nay, họ đã né thuế bằng cách xuất hàng không nhãn mác, sau đó mật ong được đóng chai với xuất xứ từ các quốc gia Đông Nam Á để xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng đây không phải kế sách dài lâu vì Mỹ sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp đối phó. Hải quan Mỹ có thể phát hiện ra vấn đề nếu thấy lượng hàng nhập khẩu một mặt hàng đột ngột tăng mạnh từ các nước khác, nhất là nếu mặt hàng đó trước đây được nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc hiện đang nỗ lực tìm các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm cắt giảm thuế, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và nới lỏng chính sách tiền tệ. Các ngân hàng thương mại Trung Quốc đối phó bằng cách thắt chặt hầu bao kể từ khi Bắc Kinh mở chiến dịch cắt giảm nợ, vì có nhiều cảnh báo về mức nợ chồng chất của các doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng các biện pháp này có thể hạn chế đà suy giảm tăng trưởng, nhưng một sự phục hồi tăng trưởng rõ rệt trong thời gian sớm là điều khó có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục