Phát huy truyền thống năng động sáng tạo để phát triển TPHCM

Không gian công cộng và cây xanh: Thước đo chất lượng sống và sự sáng tạo


TPHCM có chủ trương khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để phát triển TP. Nhưng để thúc đẩy sự sáng tạo của cư dân, TP cần có không gian công cộng là điểm kết nối cộng đồng, gắn kết các tầng lớp dân chúng. 
Người dân vui chơi bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. TPHCM cần nhiều không gian công cộng, cây xanh để thúc đẩy sự cởi mở, sáng tạo Ảnh: VIỆT DŨNG
Người dân vui chơi bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. TPHCM cần nhiều không gian công cộng, cây xanh để thúc đẩy sự cởi mở, sáng tạo Ảnh: VIỆT DŨNG

Thể hiện “sự vui vẻ” của cộng đồng

Không gian công cộng là những không gian mở, nơi cộng đồng dân cư có thể đến mà không phải trả tiền. Một không gian công cộng tốt cần có 4 tiêu chí bao trùm: khả năng tương tác xã hội, công năng và hoạt động, sự tiện nghi và hình ảnh đô thị và cuối cùng là khả năng tiếp cận, kết nối. Không gian công cộng luôn gắn thiên nhiên với cây xanh, là không gian mở và không gian giao tiếp có liên quan đến sự thay đổi về văn hóa thị dân trong thời kỳ hậu hiện đại, là tầm quan trọng của xã hội nhân văn với con người đô thị cởi mở hơn, sáng tạo và sống tốt hơn. Không gian công cộng cũng có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, nhân tài đến tương tác, cùng với cộng đồng xã hội thỏa sức sáng tạo, làm nên nhiều của cải xã hội. 

Chúng ta có thể nhận thấy ngay các lợi ích trong không gian công cộng và mảng xanh của TPHCM. Có thể nói đời sống văn hóa, xã hội và cộng đồng là thế giới sống trong không gian công cộng. TPHCM cần đảm bảo có mạng lưới mảng xanh, không gian mở xung quanh khu ở và đảm bảo yêu cầu vui chơi giải trí của người dân. Không gian mở của đô thị chính là nơi để thể hiện “sự vui vẻ” của cộng đồng nhân văn và nơi nghỉ ngơi, giải trí bao gồm các khu vui chơi, thể dục thể thao, các trung tâm văn hóa, khu du lịch sinh thái. Không gian công cộng có nhiều giá trị đặc biệt: Về chính trị, đó là nơi mọi người có thể tập hợp thể hiện ý chí chung như bảo vệ môi trường, chống các tệ nạn xã hội; về kinh tế - xã hội, nó thể hiện nền tảng của hệ thống dịch vụ nuôi dưỡng sự vận động của toàn TP; về văn hóa, là nền tảng cho các hoạt động của cộng đồng, giúp gia tăng sự gắn kết giữa người với người và tạo ra nét đặc trưng của TP. Do vậy có thể nói, chính không gian công cộng quyết định chất lượng sống đô thị, là một thước đo TP sống tốt và sáng tạo. Không gian công cộng, bộ mặt chính của TP, là nơi phải được chú trọng. 

Mạng lưới không gian chưa hoàn chỉnh

Tiếp cận từ góc độ không gian, nếu tập trung vào mối quan hệ giữa không gian công cộng với các không gian khác trong đô thị, thì không gian công cộng nói chung bao gồm cả không gian giao thông và vỉa hè - tuy không phải là không gian công cộng chính thức. Các hoạt động đang tồn tại trên một con phố, dù còn lộn xộn nhưng vẫn tạo nên bản “ballet đường phố”. Và đó là nét cần thiết để tạo ra một TP sáng tạo đúng nghĩa.

Trên góc độ không gian đặc trưng của TPHCM, không gian công cộng cũng có thể xem như sự xếp chồng của 3 lớp không gian chính quy và một lớp không gian không chính quy. Trước tiên là lớp không gian xanh: công viên cây xanh, vườn dạo, vườn cộng đồng; lớp không gian dân sự: quảng trường, phố đi bộ; lớp không gian mặt nước và bờ (hệ thống sông ngòi, kênh rạch và dải không gian dọc bờ). Lớp không gian mặt nước và bờ thông thường bao hàm trong lớp không gian xanh, nay được tách ra thành lớp riêng vì TPHCM cũng có đặc trưng sông nước - kênh rạch. Nhìn chung, 3 lớp không gian công cộng chính quy ở TPHCM hiện nay không tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh nên đã hạn chế chất lượng sống đô thị và sự sáng tạo của người dân TP.

Thứ nhất, mạng lưới không gian công cộng và cây xanh không đạt yêu cầu về số lượng và diện tích, có nghĩa là không gian công cộng không đủ phục vụ cho sự phát triển dân số rất nhanh; đặc biệt, sự thiếu vắng không gian công cộng làm chỗ chơi cho trẻ em. Thứ hai, sự thiếu vắng quảng trường trung tâm và phố đi bộ trong TP, dẫn tới sự kết nối lỏng lẻo giữa các không gian công cộng và biến chúng thành những không gian rời rạc. Thứ ba, thiếu cây xanh ở nội đô. TPHCM có khoảng 540 triệu m2 cây xanh; trong đó, khu vực nội thành có gần 5,5 triệu m2 cây xanh (chiếm 1%) và còn lại 99% diện tích cây xanh ở khu vực ngoại thành. Tỷ lệ che phủ cây xanh toàn TP là 26,3%. Tỷ lệ che phủ nội thành là 3,9%, ngoại thành là 27,7%. Tỷ lệ diện tích cây xanh trên đầu người trung bình toàn TP là 13,7m2/người, nội thành là 1,95m2/người (theo Sở GTVT TPHCM hiện chỉ còn 0,69m2/người) và ở ngoại thành là 473,6m2/người. Như vậy, sự phân bố cây xanh ở nội thành và ngoại thành rất không đồng đều. Trong khi con người thì ngược lại, 90% cư dân lại tập trung ở vùng đô thị với không gian chỉ khoảng 7% diện tích TP.

Nhiều cách tăng mảng xanh

Cần nhận thức tác dụng và hiệu quả của mảng xanh đô thị và nỗ lực làm xanh TP để hướng đến TP xanh, TP có sức sáng tạo. Để nâng diện tích cây xanh trong nội đô TP lên 10 -15m2/người, TP cần hoàn chỉnh và mở rộng hạ tầng xanh, chủ yếu là mảng xanh và không gian mở. Hiện mảng xanh khu vục nội thành và không gian mở chủ yếu là cây xanh công viên kết hợp với các khu vui chơi giải trí lại được chia thành 2 khu vực nhỏ.

Khu vực nội thành cũ do đất đai chật hẹp, khó khăn lắm cũng chỉ có khả năng lên được 3m2/người, như vậy cần phải có nhiều biện pháp để đạt chuẩn cây xanh. Khu vực nội thành mới với đất đai rộng rãi cho phép nâng tỷ lệ cây xanh lên 10m2/người, tạo nên những vành đai xanh. Khu vực ngoại thành sẽ tổ chức cây xanh đặc biệt như lâm viên, rừng phòng hộ, kết hợp với khu vui chơi giải trí cuối tuần. TPHCM cần bảo tồn các khu rừng đước ngập mặn ở huyện Cần Giờ (33.000ha - đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển của thế giới), rừng cây đất phèn ở huyện Bình Chánh. Các khu rừng này chính là lá phổi xanh của TP.

Tuy nhiên, nếu không tính diện tích cây xanh bên ngoài nội thành thì chỉ tiêu cây xanh trong nội đô, dù có tăng thêm cũng chưa đạt được phân nửa! Do vậy cần có giải pháp bổ sung hạ tầng xanh. Đó là cơ sở hạ tầng xanh gắn với công trình, hay những phương pháp tiếp cận làm xanh mới trong đô thị: từ đường phố xanh, vỉa hè xanh thẩm thấu nước, các trụ của đường trên cao đến mái nhà xanh, mặt đứng nhà xanh… 

Trong đó, các đại lộ xanh, ngoài việc trồng cây xanh dọc theo trục lộ, còn có hố cây xanh thấm lọc, mương thực vật… Các vỉa hè xanh, bê tông trong nội đô cũng cần được cắt ra, hoặc sử dụng các loại vỉa hè dạng tổ ong để trồng cỏ xen kẽ và giúp thoát nước mưa nhanh xuống đất. Các trụ của đường trên cao cũng cần được phủ bởi dây leo bám xanh. Và việc trồng cây xanh trên mái nhà không còn quá xa lạ với các nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn là khái niệm mới mẻ và tất cả mới chỉ là bắt đầu. Đi tiên phong trong số đó là Khu dân cư Phú Mỹ Hưng (quận 7), nhưng cũng chỉ là các sân vườn, công viên trên cao.

TPHCM cần khuyến khích những hình thức vườn trên mái, toàn bộ mái nhà cần được bao phủ bởi cây xanh hoặc rau xanh, sẽ giúp căn nhà chống lại cái nóng vào mùa hè, giữ nước vào mùa mưa, là bước khởi đầu cho kiến trúc xanh. Còn mặt đứng nhà xanh, kết hợp phủ xanh các mặt đứng ngoài nhà, nhất là ở các ban công thì mặt đứng nhà xanh sẽ trở thành một kiểu trang trí hợp thời, sinh thái, đẹp mà không quá đắt, nhằm tạo ra trào lưu kiến trúc xanh ở TP.

Khu vực công trình xây dựng tiêu thụ khoảng 40% năng lượng/tổng nguồn năng lượng dùng cho sản xuất, tiêu dùng của toàn xã hội và phát ra khoảng 30% khí thải carbon/tổng lượng carbon phát thải ra môi trường, do vậy cần khuyến khích xây dựng kiến trúc xanh để tiết kiệm năng lượng. Hy vọng giải pháp làm xanh từ các trục lộ, vỉa hè đến mái nhà và mặt đứng nhà sẽ từng bước giúp đáp ứng được chỉ tiêu cây xanh trong nội đô.

Tại TPHCM, việc tận dụng mặt nước và bờ với cây xanh lâu nay còn mờ nhạt vì khó tiếp cận với mặt nước do bờ thiết kế không hợp lý. Điều đó đã làm ngăn cách các hoạt động văn hóa xã hội gắn với mặt nước. Mặt khác, kênh rạch cũng còn bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với việc phát triển các dự án cao ốc, TP cần chú trọng dành đất để làm công viên bờ sông để phục vụ đời sống của cộng đồng.

TPHCM là đô thị sông nước nên sự kết hợp giữa cây xanh và mặt nước để tạo nên “dòng sông cảnh quan sinh thái” là cơ sở để nối dài và mở rộng các “phố ven sông”. Làm được như vậy sẽ càng đậm nét hơn bản sắc văn hóa “đô thị sông nước”. Trên thế giới, đô thị cổ Amsterdam (Hà Lan) nhờ có cây xanh và mặt nước gắn với hệ thống giao thông đường phố đã tạo nên cảnh quan đặc biệt. Ngoài ra còn phải kể đến các dải cây xanh công viên dọc theo các sông Seine của Paris (Pháp), sông Neva của Praha (CH Czech), sông Hàn của Seoul (Hàn quốc), sông Neva của St.Petersbourg (Nga)… hoặc “ốc đảo xanh ở Đông Nam Á” là Singapore.

Hiện nay, nhiều nước phát triển, nhất là ở Đức, đã xuất hiện cách tiếp cận nông nghiệp đô thị (urban farming) để làm xanh TP và TPHCM có thể học hỏi, thí điểm để hấp dẫn cư dân và du khách. Ở nội thành, nông nghiệp đô thị là nông nghiệp chiều thẳng đứng (vertical farming), được mô tả như là kỹ thuật nông nghiệp đô thị trong nhà, trước tiên là ở mặt đứng các công trình cao tầng. Một quan niệm khác là làm nông nghiệp trên mái nhà.

Nông nghiệp chiều thẳng đứng tập trung trồng cây trên các mái nhà và mặt đứng nhà trong đô thị, không chỉ với các công trình mới mà cả với công trình cũ cũng có thể được thực hiện. Đó là quan điểm đương đại về kiến trúc bền vững. Nông nghiệp đô thị sẽ đem đến vẻ đẹp đô thị, nâng cao cấu trúc đô thị còn đang yếu (thiếu mảng xanh) và do đó tăng chất lượng  sống trong đô thị.

Tin cùng chuyên mục