Không “dĩ hòa vi quý” trong công tác nhân sự

Ngày 20-8, phát biểu tại hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, nhấn mạnh, các cấp ủy, tổ chức đảng phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay xấu mà nên. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”;

 phải tránh, loại trừ các biểu hiện: tư duy nhiệm kỳ, cục bộ, thân quen, nể nang, dễ dãi khi lựa chọn nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ mới. Phải thực hiện tốt Kết luận số 55 của Ban Bí thư ban hành ngày 15-8 về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thực hiện nghiêm các quy định, quy chế của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ; đề cao trách nhiệm nêu gương của tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ tham mưu về công tác tổ chức cán bộ…

Kết luận số 55 của Ban Bí thư nêu rõ: Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “cục bộ”, “thân quen”, “lợi ích nhóm”, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, “nể nang, dễ dãi”, “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau” trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ... Bên cạnh đó, có nhiều nơi, cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp ủy còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Đây là thực trạng khá phổ biến trong nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ qua, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả công việc cũng như chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp ở từng nhiệm kỳ mới. Những chuyện “hậu Đại hội Đảng XII” vừa qua là thấy rõ: vì “nể nang, dễ dãi”, vì “lợi ích nhóm”, một loạt cán bộ, có cả cán bộ cao cấp, đã phải bị xử lý kỷ luật, bị khởi tố hình sự, vào vòng lao lý vì những sai phạm từng có của mình, khi chỉ mới bắt đầu nhiệm kỳ công tác mới chưa bao lâu. Hiện tượng “tranh thủ lẫn nhau” của hàng loạt cán bộ trước khi nghỉ hưu, để “xếp chỗ” cho con cháu, người thân, dù không đủ điều kiện, tư cách cũng đã diễn ra.

Những trường hợp nói trên, khi quy hoạch nhân sự đã từng có “vấn đề”, thậm chí một số trường hợp nhân dân có đơn thư tố giác, song tại sao họ vẫn được cân nhắc, đề bạt, quy hoạch? Đó chính là vì thiếu tập trung dân chủ, sợ trách nhiệm, “dĩ hòa vi quý”, chỉ lo cho quyền lực, lợi ích của mình và thân hữu mà quên đi trách nhiệm người đảng viên, lợi ích của đất nước, người dân. Chính họ đã làm mất đi sức chiến đấu của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân, thậm chí là làm cho đất nước trì trệ, kém phát triển, bất an.

Trước khi Ban Bí thư có Kết luận 55, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng với tựa đề: “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”. Trong bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần tăng cường kiểm soát công tác cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy; nghiêm cấm mọi biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, tìm cách nâng người này, hạ người kia, gây nghi ngờ, làm mất đoàn kết nội bộ; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người có tham vọng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, chạy phiếu bầu, chạy cơ cấu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, quan liêu, tham nhũng, bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói không đi đôi với làm; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính…”.

Thói “dĩ hòa vi quý, cục bộ, lợi ích nhóm…” trong công tác nhân sự các cấp nhiệm kỳ mới phải được loại trừ triệt để; phải sớm phát hiện và loại trừ ngay những người cơ hội, thiếu năng lực, không đủ phẩm chất trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, để những người cán bộ thực sự có tài có đức được cống hiến, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; để Đảng ta ngày càng vững mạnh, đưa đất nước phát triển bền vững lên tầm cao mới.

Tin cùng chuyên mục