Không dễ sáp nhập, giải thể trường đại học

Thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, các địa phương tiến hành sáp nhập hoặc giải thể trường để giảm  số lượng đầu mối đơn vị hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, với các trường ĐH, CĐ, việc giải thể, sáp nhập không hề đơn giản.
Trường CĐ Tài chính Hải quan sáp nhập với Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM vào giữa năm 2018
Trường CĐ Tài chính Hải quan sáp nhập với Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM vào giữa năm 2018

Sau một thời gian đua nhau nâng cấp từ trường trung cấp lên cao đẳng (CĐ), từ trường CĐ lên đại học (ĐH), thì hiện nay tại nhiều tỉnh/thành phố, hàng loạt trường ĐH được nâng cấp đang gặp rất nhiều khó khăn như địa phương không thể choàng gánh ngân sách, tuyển sinh èo uột... Cùng với đó, thực hiện chủ trương sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, các địa phương tiến hành sáp nhập hoặc giải thể trường để giảm  số lượng đầu mối đơn vị hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, với các trường ĐH, CĐ, việc giải thể, sáp nhập không hề đơn giản.

Phát triển nóng về số lượng

Hiện nay, cả nước có 236 trường ĐH, chưa tính các trường thuộc khối quân đội và công an. Giai đoạn phát triển nóng về số lượng các trường ĐH từ năm 1998-2010 để lại nhiều vấn đề chưa thể giải quyết rốt ráo. 

Đến nay, báo cáo của Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện từ năm 2010 vẫn còn nguyên giá trị. Từ năm 1998-2009 có 312 trường ĐH, CĐ thành lập, nghĩa là trung bình cứ gần 2 tuần lại có một trường ĐH, CĐ ra đời. Tính đến tháng 9-2009, cả nước có 440 trường ĐH, CĐ. Trong khi quy mô đào tạo ở tất cả các bậc học và hệ đào tạo tăng nhanh thì các điều kiện cơ bản như cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, giáo trình… để đảm bảo chất lượng đào tạo lại không theo kịp, hoặc chắp vá. Trong số trường ĐH, CĐ thành lập ở giai đoạn nói trên, có đến 245 trường được nâng cấp từ bậc thấp hơn và chỉ có 32 trường là mới được xây dựng. 

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), phân tích: Nhân sự và tài chính là 2 vấn đề quyết định sự thành bại của trường ĐH. Tuy nhiên, chính quyền địa phương lại hạn chế về lãnh đạo và quản lý giáo dục ĐH, họ hiểu đơn giản như một trường phổ thông. Tâm lý ganh đua mở trường mà không dựa vào nhu cầu thực tế về nhân lực có kỹ năng, điều kiện phát triển bền vững không đủ, duy ý chí, nên bây giờ phải lãnh đủ. 

Trong khi đó, nguyên hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM chia sẻ: Phong trào nâng cấp, thành lập ĐH trước đây đã bỏ qua yếu tố cần thiết cho sự phát triển bền vững của một trường ĐH đó là đội ngũ, cơ sở vật chất. Điều này dẫn đến chất lượng đào tạo kém, năng lực tiêu thụ của nền kinh tế không nhiều nên sinh viên ra trường thất nghiệp. Vòng tròn “tuyển sinh - đào tạo - cung ứng nguồn nhân lực” yếu ở tất cả các khâu, nên trường ĐH tỉnh rơi vào khó khăn. Mặt khác, khi chuyển từ trường CĐ đơn ngành lên trường ĐH đa ngành, nhiều trường ở địa phương không thể giữ vững chất lượng ngay cả ở các ngành truyền thống của họ, chứ nói gì tới các ngành mới. Vì vậy, điều dễ nhận thấy là họ thiếu hụt lực lượng nghiêm trọng nhưng vẫn ào ạt mở các trường ĐH mới nên dẫn đến không thể đảm bảo chất lượng, không thể thu hút người học. 

Giải quyết trường yếu kém: Không đơn giản!

Hệ thống giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp hiện có 2 loại trường là công lập và tư thục. Trong gần 70 trường ĐH tư thục hiện có, rất nhiều trường hơn cả chục năm thành lập vẫn đi thuê mướn cơ sở. Cụ thể, trong năm 2018 còn 14 trường, trong đó có 11 trường thành lập từ năm 1998; một số trường địa điểm học rải rác ở nhiều nơi, không thuận tiện cho triển khai các hoạt động đào tạo. Có thể liệt kê một số trường: ĐH FPT (Hà Nội) được thành lập từ năm 2006, đến nay việc xây dựng trường tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc vẫn đang trong giai đoạn thi công; ĐH Công nghệ thông tin Gia Định thành lập năm 2007, đến nay vẫn phải thuê cơ sở đào tạo của đơn vị khác; ĐH Phan Châu Trinh (Quảng Nam) cũng đang trong tình trạng mượn đất để dạy học... Chưa kể đến việc, nhiều trường do số lượng giảng viên cơ hữu không đảm bảo theo quy định nên đang đứng trước một tương lai gần là buộc phải đóng cửa.

Trong khi đó, nhiều trường thuộc các bộ/ngành sau khi nâng cấp thành ĐH đến nay chất lượng hoạt động vẫn rất kém. Điển hình như Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM, được nâng cấp lên ĐH từ trường CĐ. Theo kết quả kiểm định của Trung tâm Kiểm định chất lượng của ĐH Quốc gia TPHCM, trường không chỉ rất ít giảng viên mà cả cơ sở vật chất cũng quá tệ. Nhiều trường thuộc các tỉnh/thành đang trong tình trạng thoi thóp. Trường ĐH An Giang do ngân sách tỉnh không thể choàng gánh nên tính đến phương án bán cho một tập đoàn kinh tế, nhưng không được. Sau đó, trường được sáp nhập về ĐH Quốc gia TPHCM, nhưng đến nay vẫn chỉ là quyết định trên giấy. Trường ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) hiện đối diện với rất nhiều khó khăn, cũng tính đến phương án “về” với ĐH Quốc gia TPHCM, nhưng mới đây lại muốn chuyển thành trường tư thục... 

Với những trường ĐH yếu kém, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT luôn nhấn mạnh phương án sáp nhập hoặc giải thể. Tuy nhiên, đây là bài toán không hề đơn giản. Điển hình nhất là Trường CĐ Tài chính Hải quan TPHCM, năm 2018 sáp nhập về Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM (cả 2 cùng thuộc Bộ Tài chính). Đại diện nhà trường cho biết, khi sáp nhập có hàng loạt vấn đề phải giải quyết như nhân sự, lộ trình chuẩn hóa, lương bổng, cơ sở vật chất… Và khó nhất là chưa có văn bản nào hướng dẫn. Phó hiệu trưởng một trường ĐH tại TPHCM cho rằng: Chủ trương sáp nhập và giải thể trường yếu kém là hoàn toàn đúng. Song hiện nay, việc sáp nhập là dễ hơn vì một trường yếu kém liên kết với một trường khác tốt hơn sẽ bổ sung và hoàn thiện các điều kiện cho nhau, mà quan trọng nhất là nguồn lực con người, cơ sở vật chất và tài chính. Còn việc giải thể thì chắc rất khó, vì Luật Giáo dục năm 2009 chỉ nói chung chung và cho đến nay chưa có quy định cụ thể nào để thực hiện. Ngay cả những trường không đạt chuẩn kiểm định chất lượng trong nước, hiện nay Bộ GD-ĐT cũng chẳng thể xử lý được.

Tin cùng chuyên mục