Không còn hiệu quả

Mới đây Mỹ đã tuyên bố chính thức ngừng viện trợ khí tài quân sự cùng tiền viện trợ cho Chính phủ Ai Cập sau khi quân đội nước này tiếp tục thực hiện các vụ đàn áp đẫm máu đối với lực lượng Anh em Hồi giáo và những người biểu tình ủng hộ tổng thống Ai Cập bị phế truất Mohamed Morsi trong những ngày vừa qua. Con bài cắt viện trợ với Cairo lại một lần nữa được Washington sử dụng để thử thách Cairo. Tuy nhiên, theo thông tin Stratfor (Mỹ), khi Mỹ tìm cách thử thách Ai Cập thì quân đội nước này dường như cũng muốn thách thức lại Mỹ.

Mới đây Mỹ đã tuyên bố chính thức ngừng viện trợ khí tài quân sự cùng tiền viện trợ cho Chính phủ Ai Cập sau khi quân đội nước này tiếp tục thực hiện các vụ đàn áp đẫm máu đối với lực lượng Anh em Hồi giáo và những người biểu tình ủng hộ tổng thống Ai Cập bị phế truất Mohamed Morsi trong những ngày vừa qua. Con bài cắt viện trợ với Cairo lại một lần nữa được Washington sử dụng để thử thách Cairo. Tuy nhiên, theo thông tin Stratfor (Mỹ), khi Mỹ tìm cách thử thách Ai Cập thì quân đội nước này dường như cũng muốn thách thức lại Mỹ.

Theo quyết định trên, Mỹ sẽ hoãn cung cấp 10 trực thăng Apache, các bộ trang bị cho xe tăng M1A1 và tên lửa chống hạm Harppon, đồng thời ngừng khoản viện trợ cho chính quyền Cairo trị giá 260 triệu USD. Nhưng giới quan sát nhận định, các đe dọa cắt giảm viện trợ sẽ không làm đảo ngược tình thế ở Ai Cập. Quân đội hiện là lực lượng hậu thuẫn cho chính phủ, đồng thời giúp dập tắt tham vọng chính trị của những người Hồi giáo Ai Cập. Quan trọng hơn, điều này lại được sự ủng hộ mạnh mẽ của các chế độ khắp khu vực từ Jordan đến Syria, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Kuwait, những quốc gia đều có chung mối lo ngại về lực lượng Hồi giáo và cùng chung mục đích phải đánh bại lực lượng này bằng bất kỳ giá nào.

Điều này đã đặt Mỹ vào thế kẹt không chỉ trong việc giải quyết vấn đề với Ai Cập mà còn trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng của mình ở khu vực rộng lớn hơn. Tuy nhiên, lợi ích chiến lược của Mỹ tại Ai Cập không thay đổi. Để khẳng định quan điểm của mình, Mỹ sẽ tiếp tục đe dọa hoặc thay đổi các hình thức trợ giúp quân sự trực tiếp cho Ai Cập. Mỹ cần một đối tác ổn định ở Cairo để duy trì hiệp ước hòa bình với Israel. Quân đội Ai Cập biết rõ điều này, vì vậy họ phớt lờ những chỉ trích và lên án của Mỹ về nhân quyền khi họ phải thúc đẩy các kế hoạch khôi phục sự ổn định tại đây.

Hiện quân đội Ai Cập đang dùng sự trợ giúp từ các đồng minh vùng Vịnh để đối phó với mối đe dọa cắt giảm viện trợ của Mỹ. Ai Cập nhận được khoảng 7 tỷ USD trong tổng số 12 tỷ USD cam kết viện trợ từ các nước vùng Vịnh. Trong đó, UAE cung cấp 3 tỷ USD, Saudi Arabia (2 tỷ USD) và Kuwait (2 tỷ USD) dưới các hình thức như gửi vào ngân hàng trung ương, viện trợ trực tiếp hoặc dưới dạng viện trợ dầu mỏ. Nguồn trợ giúp từ các quốc gia vùng Vịnh đã giúp dự trữ ngoại hối của Ai Cập tăng lên 18,8 tỷ USD vào cuối tháng 9-2013, giúp duy trì niềm tin của giới đầu tư và nguồn cung năng lượng ổn định ở Ai Cập. Chính nhờ sự trợ giúp mạnh mẽ của các quốc gia vùng Vịnh, mà Ai Cập đã từ chối nhận 2 tỷ USD viện trợ từ Qatar vì cho rằng việc làm này của Qatar mang động cơ chính trị, mặc dù nền kinh tế Ai Cập đang gặp nhiều khó khăn.

Bộ Ngoại giao Ai Cập đã lên án Mỹ, gọi quyết định của Mỹ là hết sức sai lầm và không đúng thời điểm. Trong khi đó, quân đội Ai Cập cho rằng nước này chưa đến mức tuyệt vọng, phải thỏa hiệp với Mỹ. Các nhà phân tích chính trị cho rằng chiêu cắt viện trợ để nắn gân Ai Cập của Mỹ giờ sẽ không còn đất diễn. Vì thế, điều Washington cần làm hiện nay là thật sự điều chỉnh chính sách với Cairo, nếu còn muốn duy trì ảnh hưởng của mình ở vùng thung lũng sông Nile.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục