Không chỉ là lợi ích song phương

Ngày 29-10, Hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - Ấn Độ trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã diễn ra.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: INDIA TODAY
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: INDIA TODAY

Với chuyến công du lần này, Nhật Bản trở thành quốc gia đầu tiên ngoài tiểu lục địa Ấn Độ mà Thủ tướng Modi đi thăm kể khi ông lên nắm quyền 4 năm trước. Trong khi đó, 1 ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mời người đồng cấp Ấn Độ đến thăm khu nhà nghỉ riêng tại làng Yamanakako, phía Tây thủ đô Tokyo. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản mời một lãnh đạo nước ngoài đến thăm khu nhà nghỉ này. Những động thái này cho thấy quan hệ giữa 2 nhà lãnh đạo Ấn Độ và Nhật Bản đang được thắt chặt và hợp tác song phương giữa 2 quốc gia được tăng cường mạnh mẽ.

Quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ có nhiều tiềm năng khi mà Thủ tướng Abe đóng vai trò ngày càng tích cực trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, tiêu biểu là trong thương mại với việc tập hợp 11 thành viên tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận thương mại này. Trong khi đó, Ấn Độ cũng tham gia vào các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện, một hiệp định thương mại mà Nhật Bản cũng góp mặt. Về chính sách đối với khu vực, Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do do Thủ tướng Abe vạch ra phù hợp với Chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ với các nước ở Đông Nam Á cũng như Đông Á...

Tuy nhiên, theo Nikkei Asian Review, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác song phương, chuyến thăm Nhật Bản lần này còn là cơ hội để Tokyo và New Delhi bắt tay, tăng cường thế đối trọng với một Trung Quốc đang không ngừng bành trướng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, xây dựng, kết nối mạng lưới cơ sở hạ tầng chất lượng cao từ Á sang Phi dựa trên nguyên tắc bảo vệ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế, mà Tokyo và New Delhi có vai trò trụ cột, được coi là để đối trọng lại với tham vọng của Trung Quốc tại khu vực này qua Sáng kiến vành đai và con đường. Trong cuộc gặp lần này, 2 nhà lãnh đạo còn bàn thảo việc đẩy mạnh hợp tác thương mại giữa 2 nước hơn nữa để sao cho đôi bên cùng hưởng lợi, tránh để thị trường các bên rơi vào tay của Trung Quốc.

Nhật Bản và Ấn Độ còn bắt tay về quân sự trong bối cảnh Ấn Độ lo lắng về căng thẳng biên giới với Trung Quốc ở khu vực dãy Himalaya, trong khi Nhật Bản tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo kế hoạch, trong chuyến thăm lần này, Ấn Độ và Nhật Bản ký kết thỏa thuận chia sẻ hậu cần như Ấn Độ đã ký với Mỹ. Chưa hết, lần đầu tiên một cuộc tập trận chung giữa Tokyo và New Delhi mang tên Dhama Guardian sẽ diễn ra vào tháng tới tại khu vực Đông Bắc Ấn Độ.

Thủ tướng Abe đã từng nhấn mạnh rằng, quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ là quan hệ nhiều tiềm năng nhất, hơn bất kỳ mối quan hệ song phương nào trên thế giới. Tuy nhiên, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Modi lần này cho thấy 2 quốc gia châu Á muốn còn đảm bảo một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định để phát triển bằng việc kiềm chế sự trỗi dậy đầy thách thức của Trung Quốc trong khu vực, chứ không chỉ dừng lại ở lợi ích song phương.

Tin cùng chuyên mục