Không chỉ 1 giờ

Nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21.

Nằm trong chuỗi hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2018, Bộ Công thương vừa phát động chương trình khởi động chiến dịch Giờ Trái đất 2018 với khẩu hiệu “Go More Green - Hôm nay tôi sống xanh hơn” với mục đích chung là vận động cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Trước đó, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức lễ ra quân thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất năm 2018 vào ngày 10-3. 

Theo Bộ Công thương, ở thời điểm Việt Nam bắt đầu tham gia chiến dịch Giờ Trái đất vào năm 2009, nước ta chỉ có 6 tỉnh thành trên cả nước tham gia; nhưng đến nay, sự kiện này đã được sự hưởng ứng của tất cả các tỉnh thành, đặc biệt có sức ảnh hưởng sâu rộng tới đông đảo người dân. Đây là một trong những hành động của Chính phủ và người dân Việt Nam thể hiện cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính đến năm 2030, chung tay cùng thế giới trong cuộc chiến ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu mà trước hết là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan khác đang gia tăng, là mối lo ngại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đối khí hậu. Mỗi năm GDP thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã thực sự làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 30C và mực nước biển có thể dâng 1m vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, khoảng 90% diện tích trồng lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hoàn toàn, 4,4% lãnh thổ Việt Nam bị ngập vĩnh viễn; đồng nghĩa với khoảng 20% xã trên cả nước, 9.200km đường bộ bị xóa sổ.

Mặc dù là một nước đang phát triển còn nhiều khó khăn, cần ưu tiên các nguồn lực để phát triển đất nước, Việt Nam vẫn cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính trong giai đoạn 2021 - 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Chiến dịch Giờ Trái đất là sự kiện xã hội có ý nghĩa sâu sắc và có tác động to lớn trong việc nâng cao ý thức của người dân, cộng đồng và xã hội trong việc tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Ý nghĩa của thông điệp này thật rõ ràng “đánh động”, kêu gọi hàng tỷ người trên Trái đất cùng tiết kiệm điện năng, khai thác tài nguyên hợp lý, giảm bớt lượng khí thải vì một Trái đất xanh. Qua các năm tổ chức Giờ Trái đất, ý thức của mọi người về việc tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường được tăng lên đáng kể… Mong rằng, sự hưởng ứng của người dân đối với Giờ Trái đất sẽ ngày một cao hơn, không chỉ tắt đèn 1 giờ mà có ý thức tiết kiệm điện trong suốt 365 ngày của cả năm.

Tin cùng chuyên mục