Khởi sắc du lịch cộng đồng

Nền nông nghiệp phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản… là những lợi thế để Đồng Tháp phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm 2019, các khu du lịch ở tỉnh đón hơn 1,95 triệu lượt khách, tăng 2,6%; doanh thu gần 500 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ năm 2018. Có thể nói, du lịch Đồng Tháp tiếp tục tạo được dấu ấn đột phá trên nhiều mặt”. 

Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch cộng đồng đang được địa phương khuyến khích phát triển, bởi loại hình này thân thiện môi trường, hướng tới bền vững và phát huy tốt lợi thế ở ĐBSCL.

Theo ông Ngô Quang Tuyên, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Tháp, thực tế cho thấy, du lịch cộng đồng mang lại nhiều lợi ích, phát triển kinh tế bền vững cho cư dân bản địa. Nó không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương.

Đồng Tháp là một tỉnh nông nghiệp, với gần 70% dân số sinh sống ở nông thôn; điều kiện tự nhiên, đất đai màu mỡ, nước ngọt quanh năm; nền nông nghiệp phong phú với nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản; nông dân cần cù, sáng tạo, mến khách... là những lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái nông nghiệp. 

Khởi sắc du lịch cộng đồng ảnh 1 Đồng Tháp đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp 

Hiện nay, ở Đồng Tháp đã xuất hiện những mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch mang lại hiệu quả như: Vườn cây ăn trái gắn du lịch ở huyện Lai Vung, với 9 điểm tham quan vườn quýt hồng và cam xoàn; khu đồng sen Tháp Mười, hiện có 7 hộ dân khai thác loại hình du lịch trải nghiệm, mỗi tháng đón trên 10.000 lượt khách; làng du lịch Tân Thuận Đông, sau 2 năm thực hiện đã đón khoảng 25.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.000 khách quốc tế; làng hoa Sa Đéc với những khu vườn kiểu mẫu và hàng trăm loài hoa đẹp, lạ; Homestay Tư cá Linh ở Tam Nông; làng rau nhút thủy sinh ở cồn Phú Mỹ; trang trại nhà màng trồng dưa lê của Công ty ECOFAM ở huyện Thanh Bình; HTX rau sạch và nông trại lúa hữu cơ Tâm Việt ở huyện Hồng Ngự... 

Theo các nhà chuyên môn, du lịch cộng đồng đã góp phần đa dạng hóa, phong phú sản phẩm, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách khi tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá vẻ đẹp của quê hương, con người, văn hóa...

Do đó, các địa phương cần đầu tư cho nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao làm nền tảng, để xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp gắn với cộng đồng. Đây là hướng đi bền vững cần nhân rộng!

Tin cùng chuyên mục