Khơi nguồn sáng tạo trong công nhân

Trong dịp kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2017), sáng nay, tại Hội trường Thành phố, UBND TPHCM, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM và Báo SGGP long trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ 17 năm 2017.
 Giải thưởng Tôn Đức Thắng do LĐLĐ TPHCM phối hợp với Báo SGGP sáng lập năm 2000, nhằm tôn vinh những người lao động có cống hiến xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo và đào tạo, bồi dưỡng thợ trẻ giỏi hàng năm. Từ thực tế Giải thưởng Tôn Đức Thắng thực sự thành động lực khơi nguồn sáng tạo trong công nhân lao động TPHCM và từ năm 2004, UBND TPHCM quyết định chuyển Giải thưởng Tôn Đức Thắng thành giải thưởng cấp thành phố.
Trong 3 tuần qua, Hội đồng tuyển chọn Giải thưởng Tôn Đức Thắng (gồm LĐLĐ TPHCM, Báo SGGP, Ban Dân vận Thành ủy TPHCM và Ban Thi đua - Khen thưởng TPHCM) đã xét chọn trong số 31 hồ sơ để trình UBND TPHCM duyệt. Tiêu chí xét chọn trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng là cá nhân tích cực lao động sáng tạo, có nhiều sáng kiến cải tiến mang lại hiệu quả tại đơn vị; có tinh thần học hỏi cao, nhiệt tình trong công tác đào tạo, truyền nghề cho thế hệ trẻ; đồng thời đạt nhiều danh hiệu thi đua, khen thưởng. Việc xét chọn đã cân nhắc rất kỹ càng, thận trọng, do trường hợp nào cũng là những người lao động có ý thức trách nhiệm cao, có thành tích nổi bật, có những đóng góp xứng đáng. 
Trong lần trao giải năm nay, có 10 cá nhân xuất sắc được trao giải, đang làm việc ở các ngành: may mặc, xây dựng, cơ khí - chế tạo máy, công nghiệp điện - điện tử. Có công nhân kỹ thuật điện có đến 9 sáng kiến, tổng giá trị làm lợi hơn 1,1 tỷ đồng. Có tổ phó kỹ thuật đã huấn luyện, kèm cặp tay nghề cho 200 công nhân. Có người quản lý dây chuyền sản xuất có đến 8 sáng kiến, tổng giá trị làm lợi đến 8,86 tỷ đồng và đã liên tục đoạt giải nhất, nhì trong các cuộc thi cải tiến kỹ thuật. Có người đã phấn đấu trưởng thành từ công nhân kiểm hàng thành tổ trưởng, quản đốc, trưởng phòng đào tạo, rồi giám đốc xí nghiệp, do có nhiều sáng kiến tiết kiệm cho xí nghiệp và cải thiện thu nhập của công nhân... Xét hồ sơ thành tích của từng cá nhân và đọc các bài báo viết về họ với những lời trân trọng, có thể thấy đó thực sự là những kỹ sư, công nhân tiêu biểu trong phong trào lao động sáng tạo, là những tấm gương sáng, yêu nghề, cần cù lao động, làm việc có tấm lòng, có trách nhiệm và sáng tạo. 
Qua thành tích nổi trội của từng người lao động được trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay, cũng bộc lộ những đòi hỏi rất cao và cấp bách từ thực tế sản xuất của các doanh nghiệp ở TPHCM hiện nay, đó là cuộc cạnh tranh đang ngày càng gay gắt trong việc nâng chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và tăng khả năng tiêu thụ sản phẩm. Từng doanh nghiệp phải cải tiến sản xuất, ứng dụng công nghệ mới, có được nhân lực trình độ cao, cải thiện được thu nhập cho người lao động. Muốn vậy, việc phát huy sáng kiến, tổ chức sản xuất hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực và mở rộng thị trường đang là yêu cầu bức thiết của từng doanh nghiệp. TPHCM có một đội ngũ lao động hùng hậu, tâm huyết, giỏi nghề, đáp ứng đúng những yêu cầu đó. Giải thưởng Tôn Đức Thắng không chỉ để tôn vinh những người lao động ấy, mà còn là dịp phát hiện để chăm chút bồi dưỡng, nhân điển hình hạt nhân nòng cốt, học tập mô hình hiệu quả trong phong trào lao động sản xuất và sáng tạo. Mục đích, sức sống, ý nghĩa chính trị - xã hội của Giải thưởng Tôn Đức Thắng trong thực tế vẫn mang tính thời sự. 
Qua 17 lần trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng, có tổng cộng 180 cá nhân xuất sắc được vinh danh, trong đó có 22 nữ. Điều đáng mừng là hầu hết cá nhân đoạt giải vẫn không ngừng cống hiến, thể hiện vai trò đầu tàu, tiên phong trong lao động sáng tạo, nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo tại đơn vị. Đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của những cá nhân đoạt giải mà đã lan tỏa trong đội ngũ lao động, trở thành những điển hình, những tấm gương cống hiến, sáng tạo hết mình trong sự nghiệp xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh của TPHCM.
Đúng như những người lao động xuất sắc được xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay bày tỏ: “Giải thưởng Tôn Đức Thắng như một sự khởi đầu, một nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục dốc sức vì công việc, xứng đáng với danh hiệu đó”.

Tin cùng chuyên mục