Khóc với “Kỳ nghỉ ước mơ”

Ông H.C.T. cùng các thành viên gia đình vừa đến Báo SGGP kêu cứu về chuyện lỡ ký mua kỳ nghỉ của Công ty cổ phần Dream Holidays (số 92G - 92H đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM). 
Ông H.C.T. kể: “Ngày 3-7, tôi nhận được cú điện thoại của nhân viên Công ty cổ phần Dream Holidays mời đến công ty tham dự một sự kiện và sẽ được tặng quà là một kỳ nghỉ tại khách sạn 5 sao ở Phan Thiết. Tò mò, tôi đưa vợ đến dự, đến nơi mới biết công ty đang chào mời khách mua kỳ nghỉ tại các khách sạn 5 sao ở Mỹ. Người mua sẽ được nghỉ miễn phí tại một khách sạn hoặc resort 5 sao ở Mỹ mỗi năm 1 lần. Nếu không muốn đi Mỹ thì có thể chuyển đổi sang quốc gia khác, được 5 lần, với số người đi từ 2 - 6 người, nhưng phải đóng thêm phí chuyển đổi, dao động từ 200 - 500USD.
Nhiều khách hàng tỏ ra quan tâm khi nhân viên tiếp thị cho biết công ty có liên kết với các tập đoàn khách sạn lớn tại 110 quốc gia, đảm bảo có phòng cho gia đình thành viên vào các dịp lễ tết, hội hè. Công ty dự định sẽ mở bán kỳ nghỉ vào ngày 15-12-2017 với giá 32.000USD, nhưng nếu khách hàng nào mua sớm trong thời điểm này sẽ có giá 16.000USD, nếu không nhận một voucher tặng kèm thì chỉ còn phải đóng 15.000USD và sẽ trở thành thành viên của công ty, được tham gia các kỳ nghỉ kéo dài trong thời gian 50 năm và nhận được nhiều ưu đãi khác.
Cũng theo đó, khách hàng chỉ đóng trước 30%, số tiền còn lại sẽ được trả chậm trong 18 tháng. Nghe những lời mời chào như vậy, vợ chồng tôi có ý định mua. Do chúng tôi không mang theo tiền, nhân viên tiếp thị đề nghị đặt cọc giữ chỗ, theo kiểu “không phải lo lắng gì, nếu mai quyết định không mua thì thôi”. Tôi quyết định đặt cọc 23 triệu đồng và xin mang bản hợp đồng về nhà đọc, nhưng nhân viên không cho và nói rằng nội dung hợp đồng cũng giống như những gì họ đã giới thiệu.
Về đến nhà, lòng cảm thấy bất an, tôi gọi điện cho nhân viên tiếp thị hỏi nếu ngày mai không mua thì có trả cọc lại không, nhân viên này trả lời “không”. Nghĩ tiếc 23 triệu đồng, vợ chồng tôi gom góp thêm 80 triệu đồng để hôm sau mang lên đóng cho đủ 30% giá trị hợp đồng. Sau khi ký hợp đồng, do có nhu cầu nghỉ dưỡng, tôi đăng ký với công ty xin đi nghỉ ở Mỹ cho 6 người vào cuối tháng 7.
Họ nói nếu muốn đi Mỹ phải đăng ký trước 8 tuần; nghĩ là thật nên tôi chuyển hướng sang đi nghỉ ở Dubai. Công ty cho tôi 2 khách sạn để lựa chọn và yêu cầu đóng phí chuyển đổi (thay vì đi Mỹ) là 950USD, chưa kể phí xin visa là 150USD. Quá thất vọng, tôi đề nghị chuyển sang đi Maldives thì bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty trả lời chỉ đi được 2 người.
Khóc với “Kỳ nghỉ ước mơ” ảnh 1 Công ty luôn đưa ra những nơi đến hấp dẫn để hấp dẫn khách
Cuối cùng, gia đình tôi quyết định đi nghỉ ở InterContinental ở Đà Nẵng - nơi mà trước đây nhân viên công ty quảng cáo là có liên kết. Câu trả lời lúc này của họ là “không có liên kết, còn các khách sạn khác đã đầy chỗ hết rồi”.
Bức xúc quá, ngày 9-7 tôi gửi thư đến phó tổng giám đốc công ty để phản ánh sự việc đồng thời xin được thanh lý hợp đồng. Ngày 10-7, tôi lại tiếp tục gửi email nhưng công ty không hề trả lời. Liên tiếp những ngày sau, tôi lại gọi điện thoại, gửi email xin được đối thoại nhưng đều vô vọng.
Của đau con xót, tôi làm đơn đến Công an phường 22 (quận Bình Thạnh) nhờ can thiệp. Các anh ở đây rất nhiệt tình, lập biên bản và gọi đến công ty đề nghị tiếp xúc khách hàng. Công ty hẹn tiếp xúc nhưng rồi chỉ trả lời “muốn kiện thì cứ kiện”, nên tôi đành mang… cục tức đi về mà chưa biết hơn trăm triệu đồng sẽ đi đâu về đâu”.
Nhiều người sau khi nghiên cứu kỹ hợp đồng đều nhận thấy khách hàng luôn thiệt đơn thiệt kép, mà muốn thanh lý hợp đồng sẽ chẳng nhận lại được đồng nào. Nếu ai có ý định “mon men” đến với “sở hữu kỳ nghỉ” thì nên cân nhắc hết sức kỹ lưỡng, đặc biệt là phải đọc kỹ hợp đồng trước khi đặt bút ký. Nếu không hiểu hết nội dung hợp đồng - do sử dụng nhiều thuật ngữ phức tạp - thì nên có sự tham vấn của luật sư.
Sở hữu kỳ nghỉ (còn gọi là Vacation Ownership) là một hình thức kinh doanh mới xuất hiện gần đây tại nước ta. Người mua sẽ có kỳ nghỉ một tuần miễn phí tại các khách sạn, resort mỗi năm 1 lần, theo như quảng cáo kéo dài từ 30 - 50 năm.
Một khách hàng cũng gặp tình cảnh tương tự ông H.C.T. cho biết, lúc đầu nghe quảng cáo hấp dẫn quá: Chỉ mua xong là mỗi năm được đi nghỉ một tuần tại nước mình muốn đến. Ký hợp đồng, đóng tiền xong về nhà đọc kỹ hợp đồng mới… té ngửa, vì tiền bỏ ra mua kỳ nghỉ thực chất chỉ là tiền phòng, còn lại chi phí xin visa, tiền đi lại, ăn uống đều phải tự túc. Chưa kể, hợp đồng còn ghi rõ, ngoài khoản tiền đóng theo hợp đồng, hàng năm người mua phải đóng phí duy trì, phí chuyển đổi. Nếu không đóng cũng đồng nghĩa với việc ghi nợ và phải trả lãi theo trong hợp đồng (0,1%/ngày). 

Tin cùng chuyên mục