Khóc - cười theo trái bóng

“Ê, tối về sớm lập kèo coi đá banh nha mày”, “Nay tính xem đá banh ở quán nào? Đi sớm, chứ trễ thì còn chỗ… đứng”… Những cuộc thảo luận nhanh chóng như vậy đủ để cho thấy không khí mùa World Cup gần như có mặt khắp mọi nơi. Với nhiều bạn trẻ, dường như mọi sinh hoạt hàng ngày đều gắn liền với từng trận bóng của những đội tuyển mà họ yêu mến.
Đông đảo bạn trẻ chọn những quán cà phê có truyền hình trực tiếp bóng đá làm điểm hẹn trong mùa World Cup. Ảnh: LÊ VĨNH
Đông đảo bạn trẻ chọn những quán cà phê có truyền hình trực tiếp bóng đá làm điểm hẹn trong mùa World Cup. Ảnh: LÊ VĨNH
Cuồng nhiệt từng trận đấu

Bình thường, 19 giờ tối là các tuyến đường quanh khu vực trung tâm làng đại học Thủ Đức rất nhộn nhịp. Vào giờ đó, giới sinh viên thường rủ nhau đi dạo, ăn vặt. Nhưng từ khi khai mạc World Cup, đường sá vắng hẳn. Trong khi đó, các quán nhậu, quán cà phê, thậm chí là quán internet từ đầu ngã ba 621 đi vào tận khu Thư viện Trung tâm Đại học Quốc gia TPHCM hay các tuyến phố xung quanh ký túc xá khu A, khu B lại vô cùng nhộn nhịp, hàng trăm sinh viên nam nữ tập trung về các quán để xem các chân sút đọ tài trên sân cỏ. 

Dịp này, hàng quán nào cũng chuẩn bị một màn hình máy chiếu cỡ khủng và dàn loa “cực chất” để hút khách, bất chấp những cảnh báo bị “cấm sóng”. Bởi vậy mà lang thang ở các tuyến đường tại làng đại học vào giờ lăn bóng, âm thanh nổi trội nhất là tiếng bình luận viên phát ra từ các dàn loa và những tiếng hú, hét, trầm trồ, hay cái thở dài tiếc nuối của các tín đồ túc cầu ngồi xem bóng đá.

Ngay từ sớm, quán cà phê Hồ Cá đã có hàng chục bạn trẻ tới chọn vị trí ngồi đẹp nhất hướng về màn hình để giữ chỗ cho trận bóng sắp tới. Giờ bóng lăn, các quán đều kín khách. Nhiều bạn đến muộn hơn đành đứng vây phía ngoài để tranh thủ coi vì không muốn lỡ những pha đã mắt. Là người có mặt đầu tiên để chọn chỗ ngồi cho cả nhóm, Nguyễn Hoàng Anh (sinh viên Đại học Kinh tế - Luật) chia sẻ: “World Cup làm dậy sóng cả thế giới thì mình ngồi yên sao được. Cả nhóm chia nhau ra giữ chỗ chứ không thì chỉ có nước đứng mà coi”. Chúng tôi hỏi có khi nào trốn học luôn vì World Cup, Hoàng Anh thành thật: “Vì trận nào cũng muốn xem thành ra hơi đuối, nửa đêm xem đá banh về, tìm gì bỏ bụng rồi ngủ quên giờ đi học là bình thường. Nhiều lúc thấy cũng áy náy nhưng nghĩ 4 năm mới có một lần nên cho phép mình lơ là chút xíu”. 

Với sinh viên làng đại học, tình yêu bóng đá dường như bao trùm khắp phòng trọ, bởi đâu đâu cũng thấy bóng dáng của World Cup. Từ chiếc laptop, điện thoại, pin dự phòng đến cửa ra vào, cửa sổ… đều được các bạn dán kín màu cờ của đội tuyển mà họ yêu mến.

Tứ Quý (sinh viên Trường Cao đẳng Công thương) đã tìm mua một tờ lịch thi đấu các trận của mùa giải bóng đá lớn nhất hành tinh và trang trí một cách bắt mắt dán ngay cửa ra vào. Vậy mà vẫn chưa yên tâm, Quý còn lưu lịch thi đấu vào lời nhắc trên điện thoại để chắc chắn không bỏ sót trận nào. Nhìn cả phòng trọ nơi Quý ở rực rỡ sắc màu World Cup, Quý cho biết: “Nếu trận nào cũng ra ngồi cà phê thì trả tiền hơi “chát” nên cả phòng tính xem đá banh ngay tại phòng trọ, bởi vậy phải trang hoàng cho có không khí xem mới đã”.

Trên Facebook, thông tin tỷ số các trận đấu hay cảm xúc sau mỗi pha sút bóng được giới trẻ cập nhật liên tục với những bình luận rôm rả. Có thể thấy, không khí World Cup vô cùng sôi động bên cuộc sống của người trẻ. 

Coi chơi mà ăn thua thiệt

Không chỉ cuồng nhiệt theo từng pha sút bóng, nhiều bạn còn “máu” hơn, tổ chức cá độ ăn thua theo từng trận đấu. “Cá độ cũng có năm bảy loại, tùy người ta chọn loại nào hà. Như tụi tôi, cả đám coi tại phòng trọ, kiểu gì không khí cũng không bằng coi ở ngoài nên bữa nào có trận hay hay thì tổ chức kèo trên, kèo dưới cho vui, ăn thua một chầu cà phê hay đồ nướng cuối tuần cho xôm tụ vậy thôi”, Tứ Quý chia sẻ.

Cá độ chầu cà phê hay một bữa ăn thì không có gì phải bàn, nhưng không ít bạn sa chân vào những vụ cá cược hơn, thua tiền bạc. Có người được độ vui mừng thông báo trên trang cá nhân như một chiến tích về sự phán đoán tỷ số trước trận đấu, cũng có người buồn phiền vì “cháy túi”.

“Đã bảo chơi theo kèo tao tính thì không chịu, giờ mất mấy lít (mấy trăm ngàn đồng - PV) thì ăn gì, mới mấy ngày đi tong cả tháng lương. Trận sau mày ám tao thì đừng trách”, Duy (SV ĐH Công nghệ Sài Gòn) vừa đập chiếc nón bảo hiểm xuống đường vừa lèm bèm trong điện thoại khi trận đấu giữa Hàn Quốc và Thụy Điển kết thúc. Bộ bàn ghế đang ở trên xe nhưng Duy chẳng buồn chở cho khách. Ngoài giờ đi học, Duy nhận chở đồ thuê cho một cửa hàng nội thất ở đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) và phụ trông xe tại một bãi xe ở trung tâm thành phố. Vì đam mê bóng đá, Duy cùng hội bạn lập kèo cá độ để tăng kịch tính khi xem trận đấu. “Lúc đầu tôi chỉ chơi một hai trăm ngàn cho vui, thấy được kèo ngon nên tăng độ dần, ai dè xui vãi, mới có mấy ngày mà hết hơn 3 triệu đồng. Mà tôi thua còn ít chứ mấy thằng bạn thua đậm hơn, tiền học tiếng Anh các kiểu đi theo trái bóng hết rồi. Chắc phải “gửi” cái máy tính mới tậu ngoài tiệm cầm đồ, chứ không thì chả có mì gói mà húp”, Duy vừa vò đầu vừa thở dài thườn thượt.

Khảo sát tại một số tiệm cầm đồ trên địa bàn TPHCM, dù chỉ mới vào mùa nhưng đã có sinh viên tìm tới cầm điện thoại, laptop. Vũ Huy Tùng (nhân viên một tiệm cầm đồ tại quận Bình Tân) cho biết: “World Cup bước vào vòng trong mới nóng, mùa trước, mỗi ngày hàng chục sinh viên tìm tới cầm xe máy, cà vẹt xe các kiểu”.

World Cup vừa mới bắt đầu lượt thứ hai của vòng đấu bảng, thế nhưng không khí ăn chơi quên cả việc học hành - làm thêm, bài bạc cá độ đã rộ lên ở nhiều khu vực tập trung đông đảo thanh niên. Không rõ đến cuối mùa, bao nhiêu bạn trẻ sẽ “nước mắt lưng tròng” vì trắng tay?

Tin cùng chuyên mục