Khó thở thường xuyên cảnh báo bệnh gì?

Nhắc đến khó thở, nhiều người thường chỉ liên tưởng tới các bệnh liên quan đến hô hấp. Tuy nhiên, khó thở thường xuyên kèm theo tức ngực, hụt hơi là biểu hiện ban đầu của nhiều căn bệnh nguy hiểm khác mà bác sĩ khuyên nên lưu ý, vì có thể ảnh hưởng đến tính mạng nếu tình trạng kéo dài.
Khó thở thường xuyên cảnh báo bệnh gì?
 Cụ thể, tình trạng nói trên liên quan đến các bệnh nguy hiểm sau:
Bệnh tim mạch: khó thở kèm tức ngực, đau thắt ngực, thì nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch rất cao, đặc biệt là bệnh tim mạch vành, làm ngăn chặn máu nuôi dưỡng tim. Tình trạng này kéo dài và không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy tim, nhồi máu cơ tim.

Hen suyễn: người bệnh bị khó thở ra, kèm theo tiếng rít, ho và có đờm. Hen suyễn là một căn bệnh mạn tính diễn ra quanh năm nhưng mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc cơ thể suy yếu, uống rượu bia… cơn hen lại xuất hiện.

Viêm phổi tắc nghẽn mãn tính: là bệnh hô hấp gây khó thở do đường thở hẹp lại. Bệnh nhân có triệu chứng khó thở thường xuyên, nhất là khi gắng sức, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Viêm phế quản - phổi: khó thở kèm theo sốt cao, bệnh thường gặp ở trẻ em, người sức đề kháng yếu, người cao tuổi.

Giãn phế quản: bệnh nhân ho nhiều kèm theo khó thở, những đợt cấp thường có sốt và khạc đờm nhiều.

Bệnh nhân xơ gan cổ trướng: khó thở cũng có thể gặp ở bệnh nhân xơ gan cổ trướng do dịch trong ổ bụng nhiều ngăn cản di động của cơ hoành; hoặc bệnh suy tim giai đoạn cuối cũng làm cho gan ứ máu, to ra đẩy cơ hoành lên làm cản trở di động của cơ hoành, gây khó thở.

Mỡ máu, cao huyết áp: khi bệnh phát triển nặng sẽ xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, choáng, hoa mắt, bứt rứt trong người, thở ngắn, hồi hộp.

Trầm cảm, lo âu: các triệu chứng rối loạn lo âu thường gặp gồm có tim đập nhanh, cảm giác hồi hộp đánh trống ngực, cảm giác khó thở, lo lắng dễ giật mình.

Bệnh tuyến giáp: khàn tiếng, khó thở, khó nuốt, nuốt nghẹn… là các triệu chứng của ung thư tuyến giáp muộn. 

Đối với trẻ nhỏ, nếu khó thở kèm theo môi tím tái, bố mẹ lưu ý có thể trẻ đang vướng dị vật trong hệ hô hấp, cần đưa đến bệnh viện nhanh nhất để tiến hành loại bỏ dị vật vì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. 

Theo các bác sĩ, trong các trường hợp khó thở cấp tính như: dị vật, tràn khí màn phổi, hen suyễn cấp tính… cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện để cấp cứu. Trường hợp khó thở nhẹ, người bệnh nên cần dừng mọi hoạt động, nằm im hoặc trong tư thế nửa ngồi nửa nằm, hoặc tựa vào đâu đó để cơn đau tức ngực và khó thở thuyên giảm, buông lỏng vai và cánh tay, xoa vuốt ngực. Hít thở bình thường, không cố gắng hít thở sâu, dùng mũi hít nhẹ xuống bụng dưới và thở từ từ ra, nhẹ nhàng và đều đặn. Sau đó, nên đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế để được chuẩn đoán bệnh chính xác, nhằm có hướng điều trị kịp thời. Đừng để tình trạng này kéo dài mà không biết nguyên nhân có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuyệt đối không được tự ý điều trị bằng các loại thuốc Đông y hay Tây y, không những không trị được bệnh mà còn khiến cho tình trạng bệnh ngày càng nặng thêm.

Bên cạnh đó, bạn cần duy trì thói quen ăn uống lành mạnh, tăng cường rau xanh, giảm bớt chất béo đưa vào cơ thể; vận động thường xuyên bằng các bài tập nhẹ nhàng đơn giản, đừng gắng sức - đặc biệt là các bệnh nhân có tiền sử về tim mạch. Bác sĩ khuyên bạn nên đi bộ ít nhất 3 lần/tuần, với 20 phút/lần và nên nhớ thực hiện một vài động tác khởi động trước khi đi bộ để đảm bảo rằng cơ thể đã sẵn sàng cho việc vận động.

Tin cùng chuyên mục