Khó gỡ rối ở nút giao thông An Phú

Tại nút giao thông An Phú (quận 2, TPHCM, giao lộ giữa các đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Nguyễn Thị Định và đường dẫn lên cao tốc Long Thành - Dầu Giây) thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vì lưu lượng xe quá lớn. Ngành giao thông đã có nhiều giải pháp khắc phục nhưng vẫn chưa hiệu quả.
Rối rắm và kẹt cứng
Nút giao thông An Phú kết nối giao thông giữa quận 2, quận 9 với khu vực trung tâm TPHCM, và kết nối giao thông giữa TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đường Mai Chí Thọ hướng từ xa lộ Hà Nội về nút giao thông An Phú có đường dành riêng cho ô tô với 4 làn và đường hỗn hợp với 2 làn ô tô, 2 làn xe máy.
Tuy nhiên, đoạn đường này thường xuyên quá tải, khiến ô tô, xe container lưu thông tràn ra ken kín 8 làn đường, buộc xe máy phải đi lên vỉa hè. Từ nhiều năm nay, vỉa hè ở đoạn này biến thành làn đường dành cho xe máy, đôi khi lưu lượng xe lớn, nhiều ô tô cũng phóng lên vỉa hè.
Khi đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây mở làn dành cho xe máy từ đường Võ Chí Công đến nút giao thông An Phú, đã giúp người dân quận 9 rút ngắn được đoạn đường di chuyển vào trung tâm TPHCM và kéo giảm kẹt xe ở đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2).
Thế nhưng, nút giao thông An Phú tập trung đông xe, giao lộ lớn, nên đèn tín hiệu đỏ kéo dài tới 130 giây nhằm ngăn không cho xe lưu thông từ đường cao tốc hướng về đường hầm vượt sông Sài Gòn, trong khi đèn tín hiệu xanh chỉ có 30 giây.
Vì vậy, ngoài dòng ô tô thường xuyên bị dồn ứ kéo dài vài kilômét trên đường cao tốc hướng vào trung tâm TP, thì dòng xe máy chờ  qua nút giao thông này cũng luôn quá tải.
Khó gỡ rối ở nút giao thông An Phú ảnh 1 Đèn tín hiệu đỏ (đoạn từ đường dẫn cao tốc vào đường Nguyễn Thị Định) kéo dài 130 giây khiến các phương tiện đứng bít đường dẫn
Tại đây chỉ có một làn dành cho xe máy, khiến xe máy phải chen chúc nhau đứng chờ khi đèn đỏ, dòng xe kéo dài bít cả đường cua dẫn ô tô từ cao tốc vào đường Mai Chí Thọ (hướng về xa lộ Hà Nội), càng làm cho giao thông trở lên hỗn loạn và ùn ứ.
Tại hướng từ đường Lương Định Của qua nút giao thông An Phú để vào đường Nguyễn Thị Định có 4 đèn tín hiệu giao thông, mà là đèn tín hiệu giao thông ở vị trí số 3 (đoạn từ đường dẫn cao tốc bắt vào đường Nguyễn Thị Định) cũng kéo dài 130 giây, khiến các phương tiện lưu thông từ đường Mai Chí Thọ, Lương Định Của về đường Nguyễn Thị Định phải dừng tràn xuống đường dẫn cao tốc, cản trở các phương tiện lưu thông lên đường cao tốc.
Cách đèn tín hiệu giao thông này chừng 10m có thêm một đèn tín hiệu nữa ở vị trí số 4, vì khoảng cách quá gần và áp lực lượng xe quá lớn, hầu hết người dân lưu thông bỏ qua tín hiệu của đèn ở vị trí số 4, nên thường xuyên xảy ra va chạm giao thông.
Cải tạo đường, nhưng chưa ổn
Đầu năm 2018, phía đường dẫn cao tốc từ đường Mai Chí Thọ tới cầu Bà Dạt được mở rộng thêm một làn đường ở mỗi bên rộng 3,5m, dài 150m.
Đồng thời, đường nhánh từ đường Mai Chí Thọ lên đường dẫn cao tốc được mở rộng thêm một làn đường rộng 35m, dài 70m; từ đường Mai Chí Thọ đi đường Nguyễn Thị Định mở thêm một làn rộng 3,5m, dài 30m; mở 2 làn đường cho phép xe lưu thông 2 chiều từ Nguyễn Thị Định ôm công viên ngã ba An Phú bắt vào đường Mai Chí Thọ.
Đây cũng là hướng để xe lưu thông từ đường Nguyễn Thị Định ra đường Lương Định Của, đồng thời chặn lối quay đầu xe máy nhằm hạn chế tai nạn giao thông. 
Tuy nhiên, qua hơn 6 tháng thực hiện các giải pháp khắc phục, tình trạng bất ổn ở nút giao thông này vẫn chưa được cải thiện nhiều. Dòng xe vẫn bị ùn ứ tại các vị trí đèn tín hiệu giao thông, ô tô vẫn ken kín hết tất cả các làn đường, buộc xe máy phải lưu thông trên vỉa hè.
Vào ngày cuối tuần, tình trạng kẹt ô tô trên đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Giờ cao điểm, nút giao thông này như một mớ hỗn độn: xe máy, ô tô, xe container lưu thông chồng chéo nhau, xe nhỏ len lỏi vào dòng xe lớn... 
Trước tình hình ùn tắc như vậy, UBND TPHCM nhiều lần gửi công văn kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm thống nhất quy mô xây dựng giai đoạn hoàn chỉnh và phương án phân kỳ đầu tư nút giao thông An Phú (giai đoạn 1) nhằm gỡ rối cho giao thông tại vị trí này.
Tuy nhiên, theo thông tin từ Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN-VEC, mãi đến năm 2020 dự án xây cầu vượt và hầm chui  nơi nút giao thông An Phú mới được khởi công, bởi còn vướng nhiều thủ tục về thiết kế kỹ thuật và về kinh phí. Như vậy, người dân sẽ còn phải đối mặt với hàng loạt rủi ro, nguy hiểm tại nút giao thông An Phú trong một thời gian dài nữa.

Tin cùng chuyên mục