Khó giải làn sóng người nhập cư vào châu Âu

Ngày 5-5, khoảng 40 người nhập cư trái phép đã thiệt mạng ngoài khơi Italia do bị lật thuyền chở hơn 100 người. Trước đó, chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia và Pháp đã cứu sống khoảng 5.800 người nhập cư trái phép vào châu Âu từ bờ biển của Libya. Những con số này cho thấy vấn nạn nhập cư trái phép tiếp tục là nỗi quan ngại của châu Âu, khi dự kiến dòng người di cư qua đường biển từ châu Phi tới châu Âu sẽ còn gia tăng trong những tuần tới, do những kẻ buôn người lợi dụng thời tiết thuận lợi và do các giải pháp ngăn chặn người nhập cư của châu Âu vẫn mang tính đối phó tình thế.
Khó giải làn sóng người nhập cư vào châu Âu

Ngày 5-5, khoảng 40 người nhập cư trái phép đã thiệt mạng ngoài khơi Italia do bị lật thuyền chở hơn 100 người. Trước đó, chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Italia và Pháp đã cứu sống khoảng 5.800 người nhập cư trái phép vào châu Âu từ bờ biển của Libya. Những con số này cho thấy vấn nạn nhập cư trái phép tiếp tục là nỗi quan ngại của châu Âu, khi dự kiến dòng người di cư qua đường biển từ châu Phi tới châu Âu sẽ còn gia tăng trong những tuần tới, do những kẻ buôn người lợi dụng thời tiết thuận lợi và do các giải pháp ngăn chặn người nhập cư của châu Âu vẫn mang tính đối phó tình thế.

Thi thể người nhập cư trên những con tàu ở vùng biển Địa Trung Hải

Đằng nào cũng chết

Châu Âu đang đối mặt với bài toán khó mang tên “người nhập cư” từ các nước Bắc Phi bên kia bờ Địa Trung Hải. Italia hiện đóng vai trò điều phối chiến dịch mang tên “Triton tìm kiếm và cứu nạn ngoài khơi Địa Trung Hải” của Liên minh châu Âu (EU). Với 5.800 người di cư trái phép đã được các tàu của Italia và Pháp cứu trong các chiến dịch cuối tuần qua, đây là một trong những hoạt động cứu hộ lớn nhất trong năm nay diễn ra 2 tuần sau sau thảm họa tồi tệ nhất trong cuộc khủng hoảng di cư qua châu Âu làm gần 900 người chết chìm ở Địa Trung Hải.

Kể từ đầu năm 2015 tới nay, Italia đã tiếp nhận hơn 30.000 người nhập cư trái phép đến từ vùng biển Libya - vị trí được coi là gần Italia nhất. Chính phủ Italia ước tính, khoảng 200.000 người nhập cư có thể vào nước này trong năm nay, nhiều hơn 30.000 người so với năm ngoái. Trước tình hình này, ngày 4-5, Bộ Quốc phòng Đức đã huy động hai tàu cứu hộ tới Địa Trung Hải để hỗ trợ sứ mệnh cứu người di cư trên biển của EU.

Bất chấp những nguy hiểm đến tính mạng luôn rình rập, bất chấp bị bọn buôn người ngược đãi, dòng người châu Phi vẫn ồ ạt tìm cách vượt biển trên những con tàu ọp ẹp với hy vọng sẽ được vào “miền đất hứa châu Âu”. Họ chấp nhận đặt cược cho tính mạng của mình bởi cuộc sống tại quê nhà cũng luôn đặt họ trong tình cảnh đối mặt với nỗi cùng cực, thậm chí là cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, từ dịch bệnh (như Ebola), đói khổ, bị các nhóm phiến quân bắt làm nô lệ tình dục (như ở Nigeria)…

Gậy ông đập lưng ông

Trong tuyên bố đưa ra ngày 5-5, EU sẽ không áp dụng các biện pháp của Australia đối phó với dòng người di cư, mặc dù trước đó một số nước châu Âu đang tìm kiếm sự tư vấn chính sách của Australia cho vấn đề này. Ủy ban châu Âu (EC) đánh giá Canberra không tôn trọng tiêu chuẩn quốc tế về bảo vệ người tị nạn. Đó là nguyên tắc “bất khả hồi” của Liên hiệp quốc (LHQ), theo đó cấm trục xuất người tìm kiếm quy chế tị nạn về quốc gia mà họ có thể phải đối mặt với bạo lực hoặc tù tội. EU khẳng định áp dụng nguyên tắc “bất khả hồi”, điều này đồng nghĩa với việc không áp dụng mô hình của Australia trong giải quyết vấn nạn nhập cư.

Tuy nhiên, việc EU đang chật vật đối phó với hàng ngàn người di cư tìm cách đến châu Âu qua Libya cũng chính là việc phương Tây phải “gặt bão” cho hành động “gieo gió” của mình. Dòng người di cư vào châu Âu ngày càng tăng xuất phát từ những nước mà chính châu Âu đã tìm cách lật đổ chính quyền để gieo mầm dân chủ. Đa phần thuyền nhân từ châu Phi vượt biển đến châu Âu xuất phát từ vùng bờ biển Libya - nơi từng là vùng đất hứa đối với người lao động châu Phi nay bị biến thành hỗn loạn.

Một Lybia giàu có  trước đây bị nội chiến xâu xé, kiệt quệ không còn sức giữ lại những người đến từ các nước châu Phi khác. Chính các nước châu Âu đã can thiệp vào Libya (năm 2011) nhằm lật đổ Tổng thống Kadhafi, nhằm đem đến những giá trị tự do… nhưng rốt cuộc lại đẩy Libya đến tình trạng hỗn loạn như ngày nay.

LHQ ước tính trong năm 2015, nếu không có biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, sẽ có khoảng nửa triệu người tìm cách vượt Địa Trung Hải để nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu. Trong tháng 5 này, châu Âu chuẩn bị một “chiến lược phản công” nhằm tăng cường cho Cơ quan An ninh Biên phòng (Frontex). Tuy nhiên, các biện pháp này chưa chắc đã mang lại hiệu quả khi mà tình hình tại các nước châu Phi, đặc biệt là Libya, chưa được ổn định.

HẠNH CHI (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục