Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7% giai đoạn 2016 - 2020

Đó là nhận định nêu trong “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố ngày 10-5.
Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% - 7% giai đoạn 2016 - 2020

(SGGP).- Đó là nhận định nêu trong “Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2016” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố ngày 10-5.

Bản báo cáo có chủ đề “Thiết lập nền tảng mới cho tăng trưởng” được thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế đứng trước ngưỡng cửa thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và bước vào một chu kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng. Thông tin và số liệu trong báo cáo được cập nhật đến hết tháng 12-2015, một số vấn đề thời sự được cập nhật đến hết quý 1 năm 2016.

Theo báo cáo, nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đang suy giảm năng suất liên tục trong 5 năm vừa qua. Cộng với những biến động kinh tế phức tạp trong và ngoài nước hiện nay, rất khó để Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 6,5-7% trong giai đoạn 2016 - 2020. Nhóm tác giả báo cáo cũng ước lượng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đến năm 2020 sẽ chỉ nằm trong khoảng 2.756 - 3.219 USD (mục tiêu đề ra là 3.200 - 3.500 USD).

Thảo luận về báo cáo, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ủng hộ quan điểm phải xây dựng nền tảng mới cho tăng trưởng và đặt nhiều hy vọng ở việc nâng cao chất lượng “quản trị đất nước”, với một chính phủ mới.

Chia sẻ nhiều luận điểm trong báo cáo, nhưng TS Nguyễn Xuân Thành (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) lại không đồng tình với khuyến nghị đầu tư thêm cơ sở hạ tầng để Việt Nam trở thành một nơi trung chuyển hàng hóa. Cho rằng đề xuất này vừa không khả thi (vì khó thu hút được hàng từ Lào và Campuchia trung chuyển qua đây, vừa làm tăng đầu tư công), TS Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh yêu cầu tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính, vì “nếu không thì không thể nào có được nền tảng tăng trưởng bền vững cho thời gian tới”.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục