Khi vinh quang biến thành gánh nặng

Chỉ mới trải qua 3 vòng đấu đầu tiên, nhưng những sai lầm của trọng tài lại trở thành tâm điểm của V-League 2019. Có đến 3 “Vua áo đen” bị treo còi vì vướng phải các sai sót tương đối thô thiển. Trong số đó có người mang đẳng cấp FIFA, có người từng được chọn là chiếc Còi vàng năm 2016.

Giới quan sát cho rằng, vì trình độ của bóng đá Việt Nam đã tăng lên, vươn đến tầm vóc châu Á, nên trọng tài đã không thể theo kịp về tốc độ phát triển. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ chất lượng của các trận đấu, xem lại những tình huống mắc lỗi, thì lại thấy bản chất của vấn đề nằm ở trình độ của trọng tài chứ không phải do hoàn cảnh xung quanh. Tình huống bóng đơn giản, nằm trong tầm quan sát mà trọng tài vẫn để sai sót thì rất khó thông cảm.

Hệ lụy của những sai sót cơ bản ấy rất phức tạp. Đầu tiên, nó khiến các CLB mất niềm tin vào khả năng điều hành trận đấu, dẫn đến những phản ứng không đáng có trong thi đấu. Kế đến, các đội bóng chịu thiệt thòi sẽ nghĩ ngay đến việc liệu các trọng tài đã thực sự công tâm. Trong tình huống xấu, họ còn có thể nghi ngờ trọng tài tiêu cực, cố tình tác động vào kết quả của trận đấu. Thống kê cho biết, trong 21 trận đấu của V-League đã diễn ra, có 7 trận bị phản ảnh về trọng tài. Tỷ lệ lên đến hơn 30% này sẽ khiến cho người hâm mộ hoàn toàn nản lòng nếu có ý định đến sân xem bóng đá nội.

Chưa biết trận đấu có hấp dẫn hay không nhưng mức độ sai sót của trọng tài có thể khiến người xem bị ức chế, tức giận, nhất là khi đội nhà chịu ảnh hưởng. Điều quan trọng hơn, trọng tài cứ sai hết mùa V-League này sang tới mùa V-League khác, năm nào cũng có đến 4-5 người bị treo còi, treo cờ, thì có nghĩa công tác điều hành trận đấu vẫn chẳng thay đổi, làm sao có thể tin rằng cầu thủ sẽ ra sân với tâm lý thoải mái để chơi thứ bóng đá tốt nhất?

“Căn bệnh” trọng tài tái phát ngay đầu mùa bóng khiến chúng ta có cảm giác nền bóng đá Việt Nam đang chịu một gánh nặng khủng khiếp đến từ thành tích vượt bậc của đội tuyển trong năm 2018. Chúng ta hy vọng V-League 2019 sẽ tốt lên thật nhanh nhưng thực tế thì quá trình đào tạo, bồi dưỡng trọng tài hoàn toàn không có gì thay đổi. Họ không được trau dồi thực tế khi số trận bóng đỉnh cao trong mùa giải vẫn như cũ. Họ cũng chẳng tham gia nhiều hơn các khóa học chuyên môn. Dư luận luôn mong rằng các trận đấu sẽ hấp dẫn hơn, công bằng hơn nhưng thực tế sân bãi không hề được nâng cấp, mục đích thi đấu của đa số đội bóng cũng chỉ là trụ hạng, số tiền thưởng đến từ nhà tổ chức cũng không tăng thêm là bao nhiêu…

Tóm lại, mặt bằng của V-League hiện nay không hề tương xứng với các thành tích mà đội tuyển Việt Nam đang có. Nước lên nhưng thuyền không lên, có thể dẫn đến sự phát triển mất cân đối, thiếu bền vững cho nền bóng đá. Bất kỳ ai cũng muốn đội tuyển Việt Nam thành công nhiều hơn nữa ở đấu trường quốc tế, nhưng trong niềm hân hoan ấy cũng cần phải tỉnh táo nhìn nhận những tồn tại chưa được cải thiện của nền bóng đá, vốn là bệ phóng của tài năng.

Để có một thế hệ tuyển thủ quốc gia tốt như hiện nay, cũng phải mất một quá trình kiên trì “làm sạch” V-League, cổ vũ các CLB đầu tư dài hạn cho đào tạo trẻ, bóng đá đẹp. Cũng suốt 5-7 năm qua, việc thanh lọc trọng tài cũng được tiến hành rất mạnh kể từ khi Công ty VPF ra đời, hàng chục trọng tài bị kỷ luật vì sai lầm thô thiển, nhiều trận đấu ở cuối mỗi mùa giải phải thuê trọng tài ngoại tham gia điều hành. Tuy nhiên, mọi thứ dường như vẫn chưa được cải tổ triệt để, đó là lý do mà sai sót của trọng tài vẫn xuất hiện.

Thành công của đội tuyển một mặt là áp lực, nhưng cũng là động lực để nền bóng đá Việt Nam thay đổi. Chỉ có điều, việc đầu tư cho những yếu tố con người như trọng tài hay cho cơ sở vật chất trong thi đấu hiện còn quá manh mún, khác hẳn với cách mà chúng ta dễ dàng bổ sung cho HLV Park Hang-seo cùng lúc nhiều trợ lý, sẵn sàng dừng cả V-League để đội tuyển U.23 quốc gia có thêm thời gian tập luyện. Điều này chẳng khác nào chúng ta đang trở lại với mô hình “xây nhà từ nóc” trước đây.

Tin cùng chuyên mục