Khi SEA Games là gánh nặng

Giới truyền thông Philippines đã thông tin về khả năng nước này sẽ không thể tổ chức SEA Games 30 vào cuối năm nay do thiếu hụt kinh phí sau khi Quốc hội chỉ duyệt 2/3 ngân sách dự kiến được các nhà tổ chức trình lên.

Mặc dù người đứng đầu Ủy ban Olympic Philippines phủ nhận việc nước này sẽ rút lui, thế nhưng các vấn đề nảy sinh từ SEA Games 30 vẫn là một thách thức lớn đối với Hội đồng thể thao Đông Nam Á. Bởi đây không phải là lần đầu SEA Games 30 gặp trục trặc. Lẽ ra kỳ SEA Games này do Brunei đăng cai, nhưng đến năm 2015 họ rút lui và Philippines thế chỗ, tạo tiền đề cho việc nước này xin đăng cai Asiad 2030. Tuy nhiên, Chính phủ Philippines ra tuyên bố không ủng hộ việc tổ chức sự kiện này để dành ngân sách cho những việc cấp thiết hơn. Như vậy, quá trình chuẩn bị của SEA Games 30 đã không suôn sẻ. Dù chỉ còn 8 tháng nữa đến kỳ khai mạc nhưng nhiều hạng mục phục vụ SEA Games 30 hiện vẫn đang phải đợi quyết định giải ngân từ Quốc hội Philippines.

Điều đáng nói là ngân sách tổ chức bị đội lên chỉ vì SEA Games 30 có đến 59 môn thi đấu, một con số kỷ lục, cao hơn rất nhiều so với kỳ SEA Games tổ chức tại Indonesia năm 2011 (44 môn). Sở dĩ có con số này vì Philippines muốn giành ngôi số 1 toàn đoàn nên đưa rất nhiều môn thế mạnh của họ vào thi đấu dù không hề phổ biến. Ở lần đăng cai gần nhất hồi năm 2005, Philippines đã lần đầu tiên trong lịch sử xếp số 1 toàn đoàn sau khi tổ chức 41 môn.

Có thể thấy cái vòng luẩn quẩn của các nhà tổ chức SEA Games: Brunei rút vì đăng cai mà không có kết quả về thành tích; Philippines thay thế vì muốn đứng nhất toàn đoàn nên tăng số lượng huy chương lên, đồng nghĩa tăng chi phí tổ chức. Bây giờ mà rút số môn xuống thì sẽ hỏng mục tiêu, còn nếu không đủ tiền thì chất lượng SEA Games sẽ giảm, nền thể thao khu vực sẽ chịu ảnh hưởng. Quyền quyết định hiện nay có lẽ thuộc về Hội đồng thể thao Đông Nam Á vì có vẻ như Philippines vẫn quyết tâm đăng cai.

Nhằm giúp thể thao khu vực cọ xát thường xuyên để phát triển, cũng như tạo sự kết nối văn hóa cho cộng đồng ASEAN, đại hội SEA Games diễn ra theo mật độ 2 năm/kỳ và điều này gây áp lực trong việc chọn quốc gia đăng cai. Trong 11 thành viên của SEA Games, hiện Campuchia, Timor Leste vẫn chưa tổ chức lần nào. Lào, Brunei cũng chỉ mới 1 lần đăng cai. Nguyên nhân chủ yếu đến từ năng lực thể thao không đủ để tận dụng những gì đã bỏ ra cho việc tổ chức. Còn với các quốc gia có nền thể thao mạnh như Thái Lan hay Indonesia, việc đăng cai hầu như không đem lại ích lợi gì. Thế nên, trong khoảng 2 thập kỷ gần đây, việc cạnh tranh nhau để giành quyền đăng cai SEA Games không xảy ra mà chuyển thành “xoay vòng nhận trách nhiệm”.

Thể thao Việt Nam dù chỉ mới 1 lần đăng cai (năm 2003) nhưng cũng đã nhận thức rõ vấn đề này, nhất là sau bài học phải từ bỏ quyền đăng cai Asiad 18. Chính vì thế, khi nhận trách nhiệm đăng cai SEA Games 31 (năm 2021) theo chu kỳ xoay vòng, chúng ta đã quyết định chuyển địa điểm ra Hà Nội để tận dụng các cơ sở vật chất có sẵn thay vì chọn phương án xây mới nhiều công trình ở TPHCM như dự kiến. Ngoài ra, thể thao Việt Nam hiện đang có chiến lược đầu tư trọng tâm cho các môn Olympic vốn đã tiếp cận được với trình độ châu Á và thế giới nên SEA Games hiện nay được xem như đấu trường rèn luyện nhiều hơn là chạy đua thành tích. Việc dồn sức cho chiếc HCV của môn bóng đá nam ở SEA Games 30 này có lẽ là mục tiêu quan trọng nhất của thể thao Việt Nam đặt ra ở sự kiện khu vực.

Nhiều ý kiến cho rằng nên thay đổi chu kỳ tổ chức SEA Games thành 4 năm/lần nhằm giảm gánh nặng cho quốc gia đăng cai, bớt đi áp lực thành tích, đồng thời cũng đủ thời gian để một số nền thể thao yếu có thể tập trung nội lực tốt hơn. Mặt khác, chu kỳ này cũng tạo điều kiện cho những nền thể thao mạnh của Đông Nam Á tích cực tranh quyền đăng cai các sự kiện tầm vóc châu Á và thế giới.

Tin cùng chuyên mục