Khi nhà không còn là tổ ấm

“Ơ hay! Hôm nay vẫn tiếp tục ngủ lại chỗ làm hả? Ông mà cứ thế này là không ổn. Về nhà với vợ đi! Có chuyện gì thì đóng cửa bảo nhau. Nói thật, cứ vậy mất lửa gia đình không chừng!”. Nghe tiếng đồng nghiệp khuyên như, dù biết có nhiều ý đúng, anh Nguyễn Trung vẫn quay lưng, buông thõng một câu: “Thôi, kệ tao! Không được, ít bữa tao đi thuê nhà”. 
Giữ lửa hạnh phúc gia đình phải đến từ hai phía
Giữ lửa hạnh phúc gia đình phải đến từ hai phía

Lửa gia đình nguội lạnh

Anh Nguyễn Trung (35 tuổi) và chị Phạm Thị Yến (34 tuổi), ngụ quận Tân Phú, lấy nhau đã 5 năm. Vậy mà hơn 2 tháng nay, đồng nghiệp cùng công ty cứ thấy anh Trung sau giờ làm thường hay ở lại luôn công ty, có lúc đi ăn uống nhậu nhẹt đâu đó rồi cũng quay về chỗ làm ngủ nghỉ. Mới đầu thấy anh Trung mang gối, mền vào chỗ làm, ai cũng bảo chắc giận vợ được dăm ba hôm rồi về nhà thôi, ai dè, anh Trung ở thật. Do công ty làm việc nhiều ca trong ngày, có chỗ cho nhân viên ngủ nghỉ nên chuyện anh Trung nghỉ lại không ảnh hưởng gì đến quy định của công ty. Tuy nhiên, từ đó, “chiến tranh lạnh” của vợ chồng anh ngày càng nặng nề. 

“Thật tình chuyện xa cách giữa hai vợ chồng bắt đầu từ phía tôi. Dù có gia đình, nhưng do công việc tiếp xúc khá nhiều đối tác, tôi có nhiều mối liên hệ với một số đối tác nữ và khá thân. Chúng tôi cũng có nhắn tin qua lại, hỏi thăm công việc, đi ăn. Trong số đó, có một bạn gái thường nhắn tin khá tình cảm, cũng có ý với tôi. Có lần, khi kiểm tra điện thoại, vợ tôi phát hiện một số tin nhắn của cô ấy. Tôi giải thích nhiều lần rằng tình cảm đó từ phía người kia, nhưng vợ tôi ghen tuông và nhất quyết không nghe”, anh Trung kể. 

Kể từ sau lần thấy tin nhắn của cô gái, cuộc sống của vợ chồng anh Trung, chị Yến là những cuộc cãi vã thường xuyên. Yến không muốn tìm hiểu kỹ mọi chuyện là xuất phát từ phía nào, câu chuyện đang ở mức độ nào và lỗi của chồng chị đến đâu… Có lần, chị dọn áo quần đi đâu đó vài ngày nhưng vì không nỡ xa chồng lâu quá, chị lại quay về. Tuy nhiên, những bữa cơm của hai vợ chồng ngày càng ít hẳn. Thậm chí, nhiều lần anh Trung về nhà, thấy vợ đã tự nấu ăn một mình, không để lại thức ăn cho anh hay dọn thức ăn sẵn như thời gian trước. 

Cảm giác không còn được tôn trọng, yêu thương bao lấy anh. Đỉnh điểm “không khí lạnh” là vào giữa đêm cách đây hơn 2 tháng, Yến tiếp tục kiểm tra điện thoại chồng, thấy những tin nhắn cũ chưa xóa, chị lại lôi chồng dậy đay nghiến, truy vấn. Trung đã tát Yến. “Đó là lần đầu tiên tôi tát cô ấy. Cô ấy cũng đẩy tôi ra khỏi phòng, mang tất cả áo quần của tôi quăng vào phòng bên cạnh, rồi đóng sầm cửa. Tôi không còn muốn về nhà từ sau hôm ấy”.

Chuyện vợ chồng chị Hoàng Ánh - anh Trần Văn Hải (quận Thủ Đức) xuất phát từ thói mê rượu chè của anh Hải. Có lần đợi chồng đi nhậu tới 3 giờ sáng vẫn chưa về, chị Ánh bức xúc viết lên Facebook và tag thẳng tên chồng: “Hứa bớt rượu bớt bia lần thứ mấy rồi? Đi nhậu đi nhẹt với đám bạn tới 3 giờ sáng chưa về thì cũng phải nghĩ đến vợ con ở nhà lo lắng như thế nào? Nếu thấy mê rượu bia và bạn bè hơn vợ con nên xem lại mọi thứ ngay từ bây giờ là vừa. Ai cũng có giới hạn chịu đựng. Gửi tới mấy anh bạn chồng em, mấy anh rước được chồng em đi thì rước luôn giùm”. 

Sau chia sẻ của chị Ánh, ngày hôm sau, hai vợ chồng tranh cãi lớn. Anh Hải cho rằng, vợ làm “mất mặt” chồng trước bạn bè, còn chị Ánh giận chồng tím mặt, đòi về nhà mẹ ruột… Giận vợ, anh Hải nhiều lần tiếp tục bỏ đi chơi với bạn bè, về nhà chẳng nói chẳng rằng, chui vào phòng làm việc, ăn ngủ luôn trong đó. Những bữa cơm ấm cúng của vợ chồng anh bên đứa con nhỏ từ đó bớt hẳn.

Nên đi hay về?

Khi vợ chồng giận nhau, khi lửa gia đình đang dần nguội, nhiều người thường hay tự hỏi, nên đi hay về nhà. Đi thì không giải quyết được vấn đề, có nhiều sự việc đã hiểu lầm tiếp tục hiểu lầm khi không ai chịu mở lời… Mà về thì không ai nhìn ai, không ai tôn trọng ai, không ai nghe ai nói để bắt đầu đối thoại, giải quyết các nút thắt thì lại càng mệt mỏi, phiền não. Do đó, đã có người chọn dọn ra ngoài tạm thời, để tự cho mình khoảng thời gian suy nghĩ thấu đáo, nhìn nhận lại chính mình, nửa kia. 

Sau khoảng thời gian vài tháng “né vợ”, anh Nguyễn Trung chia sẻ: “Tôi nghĩ, sự tin tưởng giữa vợ chồng là điều rất quan trọng. Dù chuyện có như thế nào thì cũng phải tìm hiểu kỹ mức độ mọi việc như thế nào, chứ đừng mất bình tĩnh, đùng đùng nổi giận, ghen tuông… Tôi chưa từng muốn xa vợ, nhưng cô ấy cứ đẩy tôi ngày càng đi xa vì mớ suy nghĩ ghen tuông đó. Tôi cũng đã suy nghĩ kỹ. Tôi sẽ tìm cách đối thoại với cô ấy, điều gì cần nói sẽ nói. Vợ chồng phải biết cách lắng nghe nhau, thấu hiểu đối phương. Muốn gia đình là tổ ấm hạnh phúc bền lâu thì nhất thiết phải về lại, đối thoại để hiểu nhau hơn”.

Nguyên nhân xảy ra những cuộc “chiến tranh lạnh” của một số cặp vợ chồng thường đến từ việc mỗi người đều vô tâm với đối phương, vô tâm với tổ ấm của mình. Khi coi việc thỏa mãn những ý muốn của bản thân lớn hơn việc tạo dựng lòng tin bền vững với bạn đời thì dễ xảy ra trục trặc hôn nhân. Ở một góc độ nào đó, khi không coi trọng giá trị của cuộc hôn nhân, không biết cách gìn giữ tình cảm của nhau, giữ lửa gia đình… thì nhà sẽ không còn là tổ ấm. Trong nhiều hoàn cảnh, chúng ta vẫn có thể lắng nghe, chia sẻ với nhau để tìm ra nguyên nhân, bản chất câu chuyện khiến người kia thay đổi. Quan trọng là chịu mở lời, biết cách đối thoại để có hướng giải quyết tối ưu nhất.

Tin cùng chuyên mục