Khi lo chống trộm hơn chống cháy!

Không ít người dân vẫn còn thiếu sự cẩn trọng trước “giặc lửa”, chủ quan trước việc chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ. Họ vẫn giữ quan điểm “thà chống trộm hơn chống cháy!”.

Lắp thêm các khung sắt hay còn gọi “chuồng cọp” để chống kẻ trộm đột nhập vào nhà, đó là cách nhiều hộ gia đình tại các thành phố lớn lựa chọn để bảo vệ tài sản trong nhà. Thế nhưng, với cách làm này, trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn, người dân lại vô tình đánh mất con đường thoát nạn của mình. Vô số kiểu thiết kế bỏ qua các quy tắc đảm bảo an toàn là nguyên nhân khiến không ít nạn nhân tử vong trong các vụ cháy xảy ra thời gian qua.

Những bài học thương tâm

Hiện trường còn sót lại của vụ cháy xảy ra vào rạng sáng 10-6-2016 tại hộ kinh doanh bếp điện từ Tân Phú Gia (số 423 đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TPHCM làm 4 người chết) là những khung sắt bị thiêu rụi, cong queo, đen kịt nằm vắt vẻo, bảng quảng cáo lớn che kín toàn bộ mặt tiền bao quanh lan can tầng 2 của ngôi nhà với lớp vải bạt nhựa đã cháy hết, chỉ còn trơ khung sắt.

Đó là nguyên nhân chính khiến 4 nạn nhân ngủ tại tầng 2 tử vong do không thể thoát ra ngoài khi xảy ra cháy. Trong vụ này, chỉ riêng bà Nguyễn Thị Năm Lý (53 tuổi, quê Phú Thọ) là quản lý cửa hàng đã phát hiện sớm sự cố cháy và cố gắng nhào ra phía lan can tầng 1 khi khói và lửa chưa kịp bịt kín lối thoát nạn. Nhờ vậy, bà Năm Lý được những người ở nhà bên cạnh giải cứu đưa xuống đất thoát nạn.

Qua khám nghiệm hiện trường và trích xuất hình ảnh camera gần vị trí xảy ra sự cố, cơ quan chức năng xác định vụ cháy xảy ra lúc gần 3 giờ ngày 10-6. Nguyên nhân được hội đồng giám định cho hay, cháy là do sự cố chập điện tại ổ cắm phía sau tủ lạnh ở tầng trệt. Nếu sự cố được phát hiện kịp thời và ngôi nhà không bị lắp thêm khung sắt để chống trộm thì có lẽ hậu quả để lại đã không quá lớn như vậy.

Khi lo chống trộm hơn chống cháy! ảnh 1 Những căn hộ có lắp thêm khung sắt ở mặt tiền các tầng trên nên tạo ô cửa cho khung sắt
Nhiều vụ cháy gây hậu quả thương tâm cũng với nguyên nhân nói trên vẫn không làm cho người dân rút ra bài học sâu sắc. Không ít người dân vẫn còn thiếu sự cẩn trọng trước “giặc lửa”, chủ quan trước việc chấp hành các quy định về phòng chống cháy nổ. Họ vẫn giữ quan điểm “thà chống trộm hơn chống cháy!”.

Giải pháp nào cho vấn đề cơi nới?

Chỉ tính trong bán kính khoảng 500m, từ đầu đường Bắc Hải (đoạn giao với đường Cách Mạng Tháng Tám) đến Trường Tiểu học Bắc Hải có khoảng 30 nhà dân có ban công (1 tầng đến 3 tầng) được thiết kế hàng rào sắt kiên cố. Sự cẩn trọng này ngoài mục đích “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhưng cũng sẽ là vật cản bít lối thoát thân theo hướng mái nhà hoặc ban công sang nhà bên cạnh trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn.

Việc hàn kín các thanh sắt quanh nhà đa phần do người dân tự thực hiện thêm, trong thiết kế hoàn toàn không có. Chính điều này khiến khi có cháy xảy ra, lực lượng PCCC tiếp cận cứu người rất khó khăn, mất nhiều thời gian để cắt, phá... dẫn tới tốc độ xử lý sự cố cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ chưa kịp thời, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc.

Trước tình hình này, Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TPHCM, cho biết lực lượng PCCC và các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp như tuyên truyền, khuyến nghị, hướng dẫn người dân nếu đã thiết kế “chuồng cọp” theo mô hình cũ thì cần nhanh chóng sửa chữa, thay đổi cách hàn khung sắt, nên tạo tại “chuồng cọp” một chiếc cửa để có lối thoát hiểm cho mọi người trong tình huống khẩn cấp.

Hoặc mua thêm kềm cộng lực để sử dụng trong những trường hợp đặc biệt, khi xảy ra sự cố, nếu không tìm thấy chìa khóa cũng có thể dùng kìm cộng lực cắt khóa tạo lối thoát hiểm. Thế nhưng, xem ra việc này vẫn chưa được người dân lưu tâm, họ vẫn còn rất bàng quan với những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn rình rập hàng ngày.

Thậm chí, ngày càng có nhiều cơ sở lắp thêm khung sắt để bảo vệ tầng thượng, để rồi khi chưa kịp chống trộm thì chính việc hàn cắt kim loại nhưng thiếu các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đã dẫn phát sinh tia lửa gây cháy, như vụ cháy tại khách sạn A&E ở giao lộ Lý Tự Trọng - Thủ Khoa Huân, cách chợ Bến Thành vài trăm mét là minh chứng rõ nhất. Tuy không gây thiệt hại về người, nhưng một số tài sản trên sân thượng bị thiêu rụi.

Từ kinh nghiệm của các vụ cháy do ngôi nhà được thiết kế thêm “chuồng cọp” gây khó khăn cho việc thoát hiểm và công tác chữa cháy - CNCH như vừa qua, Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ TPHCM khuyến cáo, để đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà ở dân dụng, chủ hộ không nên lắp thêm lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà cao tầng.

Trong trường hợp đã lắp thì phải tạo ô cửa cho lồng sắt (có sử dụng ổ khóa). Vì lồng sắt đã có ổ khóa nên cửa chính ra vào ban công hoặc tầng thượng của căn nhà chỉ nên sử dụng chốt gạt, để khi có cháy thì không mất thời gian mở ổ khóa. Đồng thời, các gia đình cũng nên chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dụng cụ phá dỡ như búa thoát hiểm, kìm cộng lực... để tạo lối thoát nạn.

Trong trường hợp xảy ra cháy cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất đến mọi người xung quanh, lập tức điện thoại cho cảnh sát PCCC qua số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã phường gần nhất. Trong khi chờ được ứng cứu, gia đình nên sử dụng phương tiện chữa cháy hiện có và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Đại úy Nguyễn Văn Duy, cán bộ Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC, (Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an TPHCM) khuyến cáo, các gia đình cần chủ động dự phòng nhiều phương án thoát hiểm như lối thoát hiểm chính, lối phụ, lối qua mái, qua cửa sổ, qua ban công nhà bên cạnh… Đối với những hộ đã làm khung sắt ở ban công thì không nên hàn cố định mà phải có cửa mở ra vào. Chìa khóa của cửa lồng sắt cần được cất vào chỗ cố định và dễ lấy để tất cả các thành viên trong gia đình đều được biết.

Bên cạnh đó, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ gây hỏa hoạn, mỗi hộ gia đình cần nâng cao ý thức về PCCC cho từng thành viên. Trước khi đi ngủ phải sàng lọc nguyên nhân gây cháy như tắt các thiết bị điện không cần thiết (rút phích điện ra khỏi ổ cắm); tuyệt đối không sạc pin xe đạp điện, điện thoại, bếp điện qua đêm; khóa bình gas, kiểm tra nơi đun nấu, tắt công tắc điện xe máy, kiểm tra nơi thờ cúng…

Bên cạnh đó, các hộ gia đình nên lắp đặt thiết bị cảnh báo cháy sớm, thiết bị báo rò rỉ gas, trang bị mặt nạ lọc độc và các thiết bị PCCC tại chỗ.

Hành vi tự ý dựng, cải tạo những “chuồng cọp” sẽ bị xử lý theo Nghị định 126/2004/NĐ-CP ngày 26-5-2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà: Phạt từ 300.000 - 500.000 đồng đối với một trong những hành vi: Đục phá, cải tạo, cơi nới dưới mọi hình thức.

Tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị xử phạt bổ sung và bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp như tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; buộc tháo dỡ bộ phận công trình đối với các vi phạm theo quy định.

Khoản 11, Điều 12 Luật Xây dựng nghiêm cấm hành vi xây dựng, cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Việc xây dựng, cơi nới ban công “chuồng cọp” nếu xét thấy có sự lấn chiếm diện tích, không gian chung hoặc đang được quản lý, sử dụng của người khác thì là vi phạm pháp luật.

Người vi phạm phải chịu xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng theo quy định tại điểm c, khoản 3 và điểm c, khoản 5 Điều 55 Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với quản lý sử dụng nhà chung cư và quản lý nhà ở.

Tin cùng chuyên mục