Khi đã vượt qua chính mình

Trước trận đấu chung kết King’s Cup 2019 với đội tuyển Curacao diễn ra chiều nay 8-6, HLV Park Hang-seo khẳng định: Việt Nam đã đá xong trận chung kết 3 ngày trước, đó là chiến thắng trước Thái Lan. Nếu chúng ta nhìn về lịch sử, về cái gọi là “nỗi ám ảnh Thái Lan” kéo dài từ trận chung kết SEA Games 1995 đến nay, thì sẽ nắm bắt được quan điểm của nhà cầm quân người Hàn Quốc.

Chính HLV Park Hang-seo là người đã tư vấn để Liên đoàn bóng đá Việt Nam chấp thuận lời mời của Thái Lan tham dự King’s Cup. Đó là một lựa chọn dũng cảm và đầy trách nhiệm. Mặc dù chỉ mới ở Việt Nam chưa tròn 2 năm, đã có những thành công vượt mong đợi, nhưng HLV Park Hang-seo biết rằng, có một điều mà nếu không hoàn thành thì công cuộc đưa bóng đá Việt Nam lên đỉnh cao mới sẽ không thể thành công: Phải chiến thắng Thái Lan trong một trận đấu cụ thể ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Bóng đá là môn thể thao rất kỳ lạ. Có những trận đấu mà chiến thắng chỉ có thể đến nếu biết cách “vượt qua chính mình” chứ không phải là đợi kết cục sau cùng. Lịch sử đối đầu với Thái Lan cho thấy, ngay ở những thời điểm mạnh nhất của mình, bóng đá Việt Nam vẫn không thể nào thoát khỏi ám ảnh “sợ thua”. Mà một khi còn tồn tại điểm yếu về tâm lý ấy, thật khó nói đến chuyện chúng ta sẽ vươn tầm châu Á, đấu trường của những đội bóng giàu nội lực và bản lĩnh.

HLV Park Hang-seo đã thực hiện xong phần việc cuối cùng của mình. Niềm tin của ông được chuyển hóa thành hành động, xóa bỏ hoàn toàn những e ngại cuối cùng. Đội bóng của ông dù không có lực lượng tốt nhất vẫn đường hoàng đánh bại Thái Lan ngay trên sân nhà của họ. Cách mà đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng ở những giây cuối cùng cũng như cách mà Thái Lan để thua đã cho thấy vị thế số 1 của bóng đá Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á là không thể bàn cãi.

Những phương án lựa chọn đối thủ, sắp đặt con người của HLV Park Hang-seo, một lần nữa để lại cho bóng đá Việt Nam một bài học: Nếu muốn phát triển, hãy đặt cho mình những mục tiêu lớn hơn giới hạn bản thân, không chỉ là “vượt qua chính mình”. Sẽ rất khó những cầu thủ Việt Nam từng thất bại trước Thái Lan như Nguyễn Anh Đức, Trọng Hoàng, Công Phượng, Văn Toàn… có thể chơi thứ bóng đá tự tin, bản lĩnh nếu như họ không là thành viên của đội U.23 á quân châu Á, hay vào đến tứ kết Asian Cup 2019.

Những thành công đó tạo dựng một tâm thế hoàn toàn khác cho cầu thủ, giúp họ khám phá những năng lực tiềm ẩn trong mỗi người và dễ dàng vượt qua giới hạn từng được xem là “không thể” như chiến thắng Thái Lan. Không những 1 mà đến 2 lần, nếu tính thêm trận thắng 4-0 ở vòng loại giải U.23 châu Á. Thế nên, vấn đề cốt lõi của bóng đá Việt Nam và cả với thể thao Việt Nam đó là trả lời câu hỏi “Làm gì sau khi vượt qua chính mình”? Vì bóng đá Việt đang mơ mộng đến một suất dự World Cup, thì mới thấy chiến thắng Thái Lan là điều không quá gian khó. Với các môn khác, có tính đến việc đoạt huy chương Olympic thì mới quyết liệt hơn trong việc “ứng xử” với đấu trường SEA Games thay vì vẫn đang “một đấu trường, đa mục tiêu” như hiện nay.

Dù nhất định phải bước đi từng bước chắc chắn, thì cũng phải đặt cho mình cái đích xa để vững tin vào cuộc hành trình tìm kiếm đẳng cấp và vinh quang. Đây là câu chuyện của sự chuẩn bị về tâm thế, là yếu tố chiến lược trong quá trình đầu tư, mà nếu không thể vạch ra được lộ trình đằng sau việc “vượt qua chính mình” thì sẽ khó có những thành công ở hiện tại chứ chưa gì đến kỳ tích tương lai.

Cũng cần phải nhắc lại: Bóng đá là môn thể thao rất khó để thay đổi thành tích và đẳng cấp trong một thời gian ngắn vì là môn tập thể, lại phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý. Nhưng sau 18 năm chỉ thắng được 2 lần thì chỉ trong vòng 3 tháng, đã 2 lần thầy trò HLV Park Hang-seo chứng tỏ vị thế của mình một cách thuyết phục. Bóng đá đã làm được thì tất nhiên, nhiều môn thể thao khác cũng sẽ làm được.

Tin cùng chuyên mục