Khi chủ đầu tư thiếu năng lực thực hiện dự án

Cuối năm 2018, Sacombank thông báo bán đấu giá Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú, 213 hộ trong khu quy hoạch bị giải tỏa, lo lắng vì vẫn chưa nhận được nền tái định cư.
Khu đất chưa được đền bù nhưng chủ đầu tư đã cho thuê
Khu đất chưa được đền bù nhưng chủ đầu tư đã cho thuê

Né trách nhiệm 

Năm 2004, UBND TPHCM ban hành Quyết định 634/QĐ phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ thiệt hại, tái định cư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phong Phú. Theo đó, KCN này do Công ty cổ phần KCN Phong Phú làm chủ đầu tư, thu hồi trên 140ha đất và bố trí tái định cư cho 413 hộ dân bị giải tỏa. Tuy nhiên, đất đai, nhà cửa giải tỏa đến đâu, chủ đầu tư cho thuê đến đó, nhưng chậm giao nền tái định cư cho người dân bị giải tỏa. 

Trong khi việc đền bù, tái định cư vẫn giậm chân tại chỗ, từ năm 2011 đến nay, chủ đầu tư nhiều lần thay đổi cổ đông khiến người dân không biết tìm gặp ai để đòi quyền lợi. Thời gian đầu, chủ đầu tư KCN Phong Phú là Công ty cổ phần KCN Phong Phú, gồm các cổ đông: Tổng  công ty Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI), Công ty Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) và Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC). Năm 2011, thành phần cô đông có sự thay đổi, toàn bộ 70% cổ phần của BCI được chuyển cho Khu đô thị mới Nam Sài Gòn. Đến năm 2017, thành phần cổ đông của chủ đầu tư tiếp tục thay đổi, gồm ông Nguyễn Ngọc Phú chiếm 2%, Công ty TNHH BĐS Hoa Phát chiếm 23%, Sadeco 70% và IPC 5%. 

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết đến cuối năm 2018, Ban quản lý KCN Phong Phú vẫn chưa bàn giao 213 nền đất để bố trí tái định cư và 13,8ha chưa đền bù. Mặc dù chủ đầu tư chưa bố trí tái định cư, chưa giải tỏa xong nhưng đã chia khu đất làm nhiều phần để đem thế chấp ngân hàng. Bà Lưu Thị Thu, một trong những hộ dân chưa được đền bù, cho hay chủ đầu tư không chỉ đưa ra giá đền bù thấp mà còn cố tình kéo dài, gây khó cho người dân. 

Ai cấp nền tái định cư?

Theo ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank (đơn vị thông báo bán đấu giá KCN Phong Phú để thu hồi nợ) cho biết, chủ đầu tư không còn năng lực để tiếp tục thực hiện dự án. Chủ đầu tư đã thế chấp tài sản là quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại dự án KCN Phong Phú để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán  nợ vay của một số khách hàng vay theo các hợp đồng tín dụng tại Sacombank. Đơn vị trúng đấu giá tiếp tục việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng. 

Ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, đã có văn bản báo cáo cấp trên về việc quyền lợi của hàng trăm gia đình bị giải tỏa chưa được giải quyết không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân mà gây bất ổn cho địa phương; đề nghị cấp trên chỉ đạo chủ đầu tư thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Đầu tư kinh doanh nhà Khang Phúc (BBCI) để cam kết bàn giao  213 nền tái định cư còn lại bố trí cho người dân và dừng đấu giá để các đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm vụ việc, bảo đảm quyền lợi người dân.       

Theo Luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TPHCM), Luật Đất đai quy định người sử dụng đất có quyền thừa kế, thế chấp, cầm cố. Đất của người dân được giao cho công ty làm dự án, mà chủ đầu tư chưa đền bù xong đã mang thế chấp ngân hàng là trái quy định. Trong trường hợp này, không chỉ chủ đầu tư mà cả ngân hàng đều sai.

Tin cùng chuyên mục