Khi bản kê khai tài sản được quản lý… chặt

Một trong những vấn đề đặt ra trong việc kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức là xác minh tính trung thực của bản kê khai. Tại TPHCM, tình trạng các bản kê khai tài sản được quản lý rất… chặt, góp phần dẫn tới tính trung thực của bản kê khai vẫn còn bỏ ngỏ.

Trong buổi giao ban của Thành ủy TPHCM mới đây về vấn đề này, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM Trần Văn Ước cho hay, các bản kê khai gửi lên thành phố đều được… cất kỹ. Ban Tổ chức cũng không đọc hết. Khi có đề bạt cán bộ thì mới mang ra xem! Tương tự, các bản bổ sung hàng năm về tài sản có biến động, thu nhập tăng thêm cũng được… cất vô tủ. Ông Ước nêu tình trạng hiện không ít người có tài sản rất nhiều nhưng để người khác đứng tên, vậy thẩm định thế nào? Có nhiều đồng chí không biết kê khai có trung thực hay không, thấy ghi có 4 - 5 căn nhà cho thuê, có tiền gửi ngân hàng, mua trái phiếu thì Ban Tổ chức cũng biết vậy thôi, nhưng không ai đặt vấn đề như vậy là nhiều hay ít? TPHCM có 107 cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức việc kê khai với tổng số người đã kê khai hơn 36.300 người (gần 100%). Cấp quận, huyện có 19.741 trường hợp đã kê khai. “Vậy tính trung thực trong kê khai được thẩm định như thế nào?”, ông Ước hỏi và tự trả lời: “Chưa có ai làm điều này!”

Đây cũng là tình hình chung trong cả nước, khi có gần 1 triệu bản kê khai tài sản của đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nhưng chỉ xác minh được có 5 bản kê khai. Đến nay, chưa có một vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản. Kê khai tài sản được đánh giá là không hiệu quả do kê khai song không kiểm soát được; gian dối hay không gian dối, chưa ai trả lời được điều này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Ma Xuân Việt thẳng thắn,Ủy ban Kiểm tra có chức năng thường xuyên xác minh, nhưng việc kiểm tra bản kê khai còn hạn chế. Ở cấp quận, huyện cũng vậy, chỉ xác minh khi có tố cáo, khiếu nại, có vấn đề gì đó thì mới xác minh.

Nhằm đảm bảo tính trung thực trong kê khai tài sản, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM Trần Thế Lưu đề nghị cần có quy định rõ, chế tài cụ thể và có tính khả thi đối với các hành vi vi phạm. Một mặt chế tài trách nhiệm đối với việc kê khai. Mặt khác, việc kiểm tra giám sát cũng phải khả thi. Hiện tượng giàu bất hợp pháp, giàu nhanh phải được kiểm tra, giám sát với các biện pháp như thế nào, rất cần được sớm nghiên cứu, ban hành. Ông Lưu dẫn chứng trong đợt tết vừa rồi, rất hiếm báo cáo của cơ sở về việc nhận quà. Có tình trạng này cũng bởi không có quy định ràng buộc. Vì thế, việc quà tết cũng phải có quy định rõ ràng: quà nào phải báo cáo, phải nộp lại; quà nào mang tính chất cá nhân, được nhận. Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Trần Văn Ước đề xuất, cần bốc ra 1%, 5% bản kê khai thẩm định tính trung thực. Hoặc chọn 1, 2 đơn vị; 1, 2 sở ngành làm thí điểm, rút kinh nghiệm rồi nhân rộng để tác động lại nhận thức cán bộ: phải kê khai tài sản đúng hơn, nếu không đúng sẽ bị xử lý.

MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục