Khép lại quá khứ, mở ra cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế

“Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để khép lại quá khứ mà còn mở ra một cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế, kể cả các nước trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: YÊN BA
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: YÊN BA

Thông tin từ Bộ Quốc phòng cho biết, trưa 25-3 (theo giờ New York), tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ đã khai mạc hội thảo “Việt Nam: Khắc phục hậu quả chiến tranh, nỗ lực vì hòa bình và phát triển bền vững” do Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701), Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) phối hợp tổ chức. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 701 và bà Asako Okai, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, Phó Tổng giám đốc UNDP, Giám đốc Vụ Hỗ trợ giải quyết khủng hoảng, đồng chủ trì hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng với những cuộc chiến tranh diễn ra liên miên trong nhiều thập kỷ, Việt Nam là một trong số những quốc gia phải gánh chịu hậu quả chiến tranh nặng nề nhất trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một biểu tượng cho những nỗ lực không mệt mỏi của nhân dân, chính phủ, của sự hợp tác quốc tế trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh. Đặc biệt là với sự giúp đỡ của LHQ, UNDP, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những quốc gia trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam, đã có những bước tiến vượt bậc trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh, biến Việt Nam thành một đất nước bình yên và an toàn. Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam giờ đây không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn mang ý nghĩa phát triển, khoa học công nghệ, môi trường... Phía Việt Nam coi hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ là nhằm giảm bớt những tác hại do chiến tranh để lại, mà còn là nhằm thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ. 

“Khắc phục hậu quả chiến tranh không chỉ để khép lại quá khứ mà còn mở ra một cánh cửa cho tương lai hợp tác quốc tế, kể cả các nước trước đây từng tham gia chiến tranh Việt Nam” - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nêu rõ.
Tại hội thảo, bà Asako Okai cho biết, cho biết tháng 6-2017, UNDP và Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Geneve (GICHD) đã thực hiện nghiên cứu với chủ đề “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động bom mìn và Mục tiêu phát triển bền vững” cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa hành động bom mìn và một loạt các mục tiêu phát triển bền vững. Cùng với sự hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam đã đạt được một số kết quả quan trọng trong khắc phục hậu quả chiến tranh, một điều kiện tiên quyết để hướng tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình Nghị sự 2030. Tuy vậy, nhìn về phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhằm giảm bớt những rủi ro, xây dựng tương lai phát triển cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi bom mìn, tăng cường sự hợp tác ở cấp độ quốc gia và quốc tế nhằm đạt các mục tiêu Thiên niên kỷ. 


Trong tham luận hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã nêu bật những thành tựu sự hợp tác của UNDP với Chính phủ Việt Nam trong giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh và mối liên hệ giữa hành động bom mìn với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác Quốc tế Hàn quốc (KOICA), dự án “Hàn quốc Việt Nam khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” có cách tiếp cận toàn diện trong hành động bom mìn bao gồm các hoạt động khảo sát, rà phá, giáo dục nguy cơ bom mìn, hỗ trợ nạn nhân và quản lý thông tin cũng như xây dựng chính sách. 

Bà Caitlin Wiesen cho biết khoảng 20.000ha đất ở hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định của Việt Nam đã được làm sạch với mục tiêu đưa vào phát triển kinh tế xã hội. Dự án sẽ tiếp tục loại bỏ ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh để đảm bảo an toàn cho người dân và cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như phòng khám y tế và trường học, cũng như đất đai để canh tác và phát triển sinh kế. UNDP cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nạn nhân bom mìn, cũng như tham gia các hoạt động Gìn giữ hòa bình của LHQ.

Quang cảnh cuộc hội thảo. Ảnh: YÊN BA

Tại hội thảo, các bài tham luận của Việt Nam tập trung vào việc tái thiết và xây dựng hòa bình, các nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn và dioxin, cũng như sự tham gia của Việt Nam vào các hoạt động Gìn giữ hòa bình của LHQ. Các bài phát biểu nhấn mạnh rằng hậu quả của chiến tranh vẫn còn rất nặng nề. Công việc khắc phục hậu quả chiến tranh bao gồm xử lý bom mìn, chất độc hóa học/dioxin, quy tập hài cốt liệt sỹ, hỗ trợ nạn nhân chiến tranh là lĩnh vực luôn được được chính phủ và nhân dân Việt Nam hết sức quan tâm. Bảo vệ cuộc sống và sự an toàn của người dân, làm sạch môi trường để phát triển kinh tế, xã hội bền vững là những ưu tiên hàng đầu.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 701, chỉ ước tính trong giai đoạn từ năm 1964 đến 1975, Việt Nam đã phải hứng chịu hơn 16 triệu tấn bom đạn các loại, gấp 4 lần số lượng bom đạn đã được sử dụng trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Còn theo kết quả điều tra do Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) công bố ngày 3-4-2018, số lượng bom đạn đã sử dụng còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam lên tới hàng trăm nghìn tấn. Số lượng tồn dư các loại bom mìn, vật nổ (BMVN) hiện nay nằm rải rác ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại 63/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc còn 9.116 xã bị ô nhiễm BMVN ở các mức độ khác nhau, chiếm 81,87% tổng số xã trên toàn quốc. Tổng diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm BMVN tính đến thời điểm tháng 12-2017 là hơn 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước. Trong số các địa phương phải chịu hậu quả ô nhiễm BMVN nặng nề, tập trung ở các tỉnh thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên, tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ diện tích đất đai tồn lưu BMVN nhiều nhất. 

Về nạn nhân bom mìn, theo số liệu của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, chỉ tính từ năm 1975 đến 2002, số người bị tai nạn do bom mìn là 105.298 người, trong đó chết 42.135 người (30% là trẻ em), bị thương 62.163 người. 49 trong số 63 tỉnh, thành phố có tai nạn do BMVN gây ra. Còn trong giai đoạn 5 năm gần đây, số người chết và bị thương do tai nạn BMVN là 1.800 trường hợp. 

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm nhưng những di chứng của nó để lại đối với người dân và đời sống kinh tế - xã hội của Việt Nam - mới chỉ tính trên khía cạnh vật liệu nổ, bom mìn, vẫn còn hết sức nặng nề…

Bên cạnh những di chứng do ô nhiễm vật liệu nổ, bom mìn, vấn đề tồn lưu chất độc hóa học/dioxin tại Việt Nam cũng để lại những hậu quả nghiêm trọng. Trong suốt thời gian chiến tranh, Quân đội Hoa Kỳ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học xuống gần 26.000 thôn, bản miền Nam Việt Nam với diện tích khoảng 3,06 triệu ha. Trong số này có 61% là chất da cam. Đối với con người, khoảng 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Theo số liệu do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cung cấp, hiện nay, trên toàn lãnh thổ Việt Nam ghi nhận hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Trong giai đoạn 1993 - 2006, các cơ quan chức năng trong nước phối hợp với một số đối tác nước ngoài điều tra, nghiên cứu cho thấy, nồng độ dioxin cao nhất tìm thấy trong mẫu máu của người dân đánh bắt cá và tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc từ khu vực sân bay Đà Nẵng cao hơn 100 lần so với mức chuẩn quốc tế. Tại hai khu vực sân bay Biên Hòa và Phù Cát cũng phát hiện nồng độ dioxin trong máu của các đối tượng nghiên cứu... Theo Cục Người có công thuộc Bộ LĐTB-XH, tính đến năm 2018, khoảng 320.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của những người này được xem xét và xác nhận bị phơi nhiễm chất độc hóa học, trong đó có khoảng 159.000 người đã được hưởng chế độ ưu đãi. Những di hại của chất độc da cam/dioxin của chiến tranh trên đất nước Việt Nam vẫn còn rất nặng nề.

Bên lề hội thảo, Ban Chỉ đạo 701 và UNDP trưng bày các hình ảnh về các thành tựu trong khắc phục hậu quả sau chiến tranh và Việt Nam tham gia hoạt động Gìn giữ hoà bình LHQ. Trước đó, trong sáng 25-3 theo giờ New York, tại trụ sở LHQ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã có hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương với bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; Phó Tổng thư ký LHQ về hoạt động hòa bình Jean Pierra Lacroix; Phó Tổng thư ký LHQ về Hỗ trợ hoạt động thực địa Atul Khare; bà Asako Okai, Trợ lý Tổng thư ký LHQ, Phó Tổng giám đốc UNDP, Vụ trưởng Vụ hỗ trợ giải quyết khủng hoảng UNDP.

Tin cùng chuyên mục