Khép lại ngày tết, sẵn bước năm mới

Tết là một sự kiện trọng đại với nhiều niềm vui, thế nhưng vì nhiều nguyên nhân, đôi khi ngày xuân lại gây ra nhiều xung đột cho các cặp vợ chồng. Từ chuyện chi tiêu tết tốn kém đến việc chăm sóc con cái, rượu chè… đều có thể là những nguyên nhân gây tranh cãi cho vợ chồng trong dịp tết.
Vui chơi ngày tết cũng là dịp để gắn kết thương yêu cho gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Vui chơi ngày tết cũng là dịp để gắn kết thương yêu cho gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 Từ những chuyện không đâu

Mặc dù đăng nhiều hình ảnh chơi tết vui vẻ lên facebook nhưng với những người bạn thân, không khó để nhận ra chị L. đang có chuyện bực mình. Mùng 3 tết gặp nhau, hỏi han mới biết, đến ngày 30 tết, hai vợ chồng chị cãi nhau to, mà nguyên nhân thì lại chẳng đâu vào đâu.

Theo thói quen mọi năm, khoảng trưa 30 tết hai vợ chồng chị sẽ đi dạo các khu bán hoa gần nhà để mua ít hoa về trưng cửa nhà cho có không khí xuân. Năm nay, do bận chị không đi cùng chồng mà dặn anh mua cặp cúc về trưng trước cửa. Chồng chị đi suốt cả tiếng, xong hì hục tha về chậu tắc (quất) to tướng và bảo chị năm nay không hiểu sao không có hoa cúc mà toàn tắc nên anh mua một cây về chơi. Chị giận điên lên bởi anh quên mất nhà có con nhỏ, mấy lần trước đi chơi nhà người thân có cây tắc, bé toàn vặt quả ăn, mà quả tắc kiểu để thì đẹp chứ ai mà biết bón phân, bón thuốc thế nào. Chưa kể chị đã dặn đừng mua cây to, sau tết thường héo nhanh, khó trồng, tốn công mang đi đổ bỏ. Chị cáu làm anh cũng bực mình theo, gây lại, cho rằng cả năm có 1 ngày tết, cẩn thận tí là được, xét nét quá làm gì. Có thế thôi, mà mấy ngày tết trừ khi có khách hay về nhà nội ngoại còn đâu vợ chồng cứ chiến tranh lạnh cùng nhau.

Nhà chị H. cũng chung cảnh 3 ngày tết vợ chồng hục hặc nhau nhưng lý do lại đến từ tiền bạc. Năm nay, tiền thưởng của cả hai không nhiều nên từ trước tết đã thống nhất với nhau là hạn chế chi tiêu. Ấy thế mà mấy hôm trước về nhà chị, không hiểu nhậu nhẹt thế nào mà hứng lên, anh lì xì đậm cho mấy đứa cháu bên chị. Nhìn cháu vui mà lòng chị rầu muốn chết. Lúc anh tỉnh, chị bực mình cằn nhằn, anh cũng cãi lại là tiền cho cháu bên chị chứ có cho ai đâu mà chị la anh. Biết là thế nhưng trước gánh nặng bội chi, mấy ngày còn lại chị chẳng thể nào vui nổi, không chửi chó mắng mèo thì cũng la con, nhà cửa đâm ra căng thẳng mấy ngày xuân.

Rồi những câu chuyện như nhậu nhiều ngày tết dẫn đến say xỉn, chuyện quà cáp hai bên nội ngoại, rồi việc mệt mỏi do phải dọn dẹp nhà cửa… khiến nhiều cặp vợ chồng đón tết trong một sự mệt mỏi, căng thẳng với nhau.

Nhẹ bước năm mới

Những câu chuyện đời thật được đưa lên mạng như một sự sẻ chia về cuộc sống và đón nhận những lời khuyên, góp ý của mọi người. Với chuyện tiền bạc chi tiêu ngày tết, một bạn đọc góp ý, vợ chồng nên đối diện với chuyện tiêu tết một cách thực tế, thiết lập một giới hạn hợp lý. Không nên chỉ chờ vào tiền thưởng tết để chi phí mọi thứ trong tết mà có thể tiết kiệm từ trước. Việc lì xì hay mua sắm cần có sự chuẩn bị từ đầu, tránh bốc đồng quá trớn để rồi tạo thành gánh nặng không cần thiết. 

Với rất nhiều việc nhà và những việc lặt vặt phát sinh trong dịp tết, nếu không khéo sắp xếp sẽ dẫn đến cảm giác mình đang phải gánh vác quá nhiều trách nhiệm và khi quá mệt mỏi, khó tránh khỏi sự bùng nổ. Việc lập một danh sách những gì cần phải làm và xác định ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho mỗi việc sẽ giúp gia đình chia sẻ được gánh nặng và mỗi người sẽ vui vẻ hơn. Thậm chí, mỗi tuần có thể trao đổi lại để đánh giá quá trình thực hiện, chỉnh sửa danh sách khi cần thiết, và thảo luận về cảm giác của mỗi người, biến việc dọn dẹp thành một điều gì đó thú vị hơn là áp lực cuộc sống. 

Đi tặng quà cũng có thể trở thành một đề tài tranh cãi của vợ chồng, ngay từ việc quyết định ai sẽ là người được tặng quà, và tặng quà gì. Chìa khóa để tránh xung đột về quà tặng, quà biếu trong dịp tết là trao đổi trung thực và không đặt ra các giả định về những kỳ vọng của người khác. Cùng nhau quyết định xem những ai trong gia đình, bạn bè và người quen nào được tặng quà… sẽ làm giảm gánh nặng chi tiêu ngày tết.

Một vấn đề mà rất nhiều cặp vợ chồng gặp phải trong dịp nghỉ tết là chuyện chăm con cái. Ngày tết, bọn trẻ không đi học, vợ chồng sẽ phải lo ăn uống cho con, lo trông con cả ngày, và đôi khi khó tránh khỏi sự bực bội vì chuyện ầm ĩ của lũ trẻ. Nhiều chuyên gia tư vấn cho rằng việc cảm giác bực bội của người lớn là do họ cứ cố ép chúng vào thời khóa biểu hàng ngày mà quên rằng bọn trẻ không đi học và thời khóa biểu sinh hoạt của chúng bị đảo lộn. Thay vì ép chúng theo thói quen cũ, bạn có thể thay đổi như lên kế hoạch đi chơi, dẫn chúng đi xem phim, công viên… các lời khuyên đều nhấn mạnh một điểm, điều tốt nhất có thể mang lại cho con trong những ngày nghỉ chính là thời gian của bạn.

Và khi những ngày xuân đang qua đi, một năm mới đang đến, thay vì để những điều giận dữ bám mãi xung quanh, cả vợ lẫn chồng luôn cần ghi nhớ những kinh nghiệm để tránh đẩy những mâu thuẫn nhỏ trở thành vết rạn nứt lớn trong đời sống vợ chồng. Ví dụ như khi xung đột lên đến đỉnh điểm, đôi bên đều tức giận, đây là lúc mà mọi lời nói đều trở nên vô nghĩa và có thể gây tổn thương cho đối phương. Vì vậy hãy cố gắng bình tĩnh hóa sự tức giận của bản thân để tránh làm tổn thương tình cảm vợ chồng. Nếu có thể, hãy chủ động nhận phần sai về phía mình, cho dù trong câu chuyện này bạn có đúng hay sai, cũng hãy nhượng bước và thỏa hiệp. Đừng để cuộc cãi vã kéo dài sẽ càng làm tổn hại tình cảm vợ chồng. 

Một bài học nữa là việc lựa chọn thời điểm thích hợp để nói chuyện. Những ngày đầu năm, khi mà tâm trạng đang trở nên nhẹ nhàng hơn là cơ hội tốt nhất để nói về những mâu thuẫn đã qua, bởi khi đó cả hai đều đã bình tĩnh, bớt tức giận. Có thể suy nghĩ thấu đáo những lời người kia nói và thấu cảm, đồng cảm với nhau. Có như vậy, mọi điều bực bội còn đọng lại của những ngày cuối năm cũ sẽ bị cuốn bay trong những ngày đầu năm mới tươi vui và hạnh phúc.

Tin cùng chuyên mục