“Khát” nhân tài công nghệ

Khi các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới như Amazon mở rộng hoạt động kinh doanh, nhiều công ty không chỉ lo ngại về việc mất thị phần mà còn lo cả tình trạng “chảy máu chất xám” nhân tài công nghệ.

Thậm chí, một số ngành nghề đã khiến New York hay Washington, D.C. sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút nhân tài lĩnh vực công nghệ khi Amazon mở rộng hoạt động và lên kế hoạch tuyển dụng 50.000 lao động mới.

Chỉ tính riêng trong thị trường lao động công nghệ, từ năm 2010 đến nay, lực lượng lao động tham gia ngành nghề này ngày càng gia tăng nhanh chóng. Ước tính của Hiệp hội Công nghệ máy tính cho biết mỗi năm, nước Mỹ có thêm 200.000 việc làm mới liên quan đến lĩnh vực công nghệ dự kiến còn kéo dài trong ít nhất một thập niên tới. Theo thống kê của giới chuyên gia công nghệ, thị trường Mỹ đang gia tăng nhu cầu tuyển dụng lập trình viên, phát triển ứng dụng di động, chuyên gia an ninh mạng, khoa học gia về dữ liệu. Hoạt động chạy đua tuyển dụng gay gắt của nhiều ngành nghề tại Mỹ được dự báo sẽ khiến thị trường lao động công nghệ rơi vào tình trạng cầu vượt cung, nhất là trong bối cảnh chính sách nhập cư đang thắt chặt ở nước này. Một trong những ngành thu hút giới công nghệ máy tính  hiện nay là ngân hàng. Như ở New York, J.P. Morgan Chase tuyển dụng 50.000 lao động trong lĩnh vực công nghệ và hồi tháng 5-2018 đã tuyển dụng Giám đốc nghiên cứu trí thông minh nhân tạo đầu tiên. Trong khi đó, Goldman Sachs cho biết 25% đội ngũ nhân viên hiện nay của ngân hàng này là các lao động liên quan tới kỹ thuật. Đó là chưa kể đến các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ hiện nay như Google. Tập đoàn này dự kiến tuyển dụng khoảng 12.000 lao động ở New York. Mạng xã hội Instagram cũng công bố kế hoạch mở văn phòng mới ở New York và tuyển hàng trăm kỹ sư.

Trên thực tế, tình trạng thiếu hụt lao động công nghệ tại Mỹ đã được cảnh báo từ 2 năm trước. Ở thời điểm đó, theo khảo sát của tập đoàn công nghệ Harvey Nash và công ty kiểm toán KPMG, 65% nhà lãnh đạo các công ty cho rằng những thách thức trong việc thu hút nhân tài đang là rào cản lớn cho việc phát triển của doanh nghiệp. Giải thích cho tình trạng thiếu hụt này, giới chuyên gia công nghệ cho rằng ngoài lý do Chính phủ Mỹ thắt chặt quy định nhập cư, tâm lý lo ngại tình trạng phân biệt chủng tộc chính là rào cản thường trực với lao động nước ngoài sinh sống tại Mỹ. Sau vụ ở Olathe, Kansas, khi một cựu binh Mỹ bước vào một quán bar, hét to “biến khỏi đất nước của tôi” và xả súng vào 2 kỹ sư người Ấn Độ, tâm lý lo ngại này dần lan rộng trong cộng đồng người nước ngoài. Bên cạnh đó, khi Mỹ không còn là miền đất hứa cho lao động nhập cư thì các quốc gia cần nhân tài công nghệ khác như Canada lại trở thành một thị trường lao động lý tưởng. Năm ngoái, Canada cho ra đời một chương trình với tên gọi Chiến lược kỹ năng toàn cầu, theo đó cấp giấy phép làm việc tạm thời cho những ai nhận được lời mời làm việc ở một số ngành nhất định, trong đó có kỹ sư phần mềm cấp cao, với thời gian xử lý hồ sơ chỉ kéo dài trong vòng 2 tuần. Kể từ khi chương trình này bắt đầu, đã có hàng ngàn lao động, trong đó có các lao động công nghệ đến từ nhiều quốc gia như Ấn Độ, Pakistan, Brazil hay Mỹ được cấp phép làm việc tại Canada.

Tin cùng chuyên mục